Thị trường niêm yết èo uột

Những ai sẽ bỏ cọc Vietcombank?

Những ai sẽ bỏ cọc Vietcombank?
Sự èo uột của thị trường đang tác động không nhỏ đến quyết định đóng tiền đấu giá Vietcombank khi hạn cuối nộp tiền (22.1.2008) đang đến gần.

Phiên đấu giá Vietcombank là một trong số ít phiên đấu giá đáng chú ý, không chỉ bởi mức độ quan tâm của NĐT dành cho mà còn từ kết quả được đánh giá là hợp lý: Giá đấu bình quân chỉ trên 107.000đ/CP và không có dấu hiệu bị đẩy lên.

Tuy nhiên, cũng không nằm ngoài "thông lệ", giao dịch suất đấu trúng của Vietcombank cũng khá sôi động ngay sau khi xác định được giá bình quân. Đã có lúc giá giao dịch đỉnh điểm của Vietcombank lên tới gần 110.000đ/CP.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ một số CTCK, khoảng hơn 1 tuần gần đây, Vietcombank hầu như không có giao dịch thành công mặc dù số quảng cáo chào bán không hề nhỏ.

Phòng môi giới OTC CTCK Seabank cho biết hiện Vietcombank đang được chào quanh giá 101.000đ - 102.000đ từ nhiều ngày nay nhưng không có giao dịch: "Số thông tin chào bán khá nhiều nhưng không tìm được người mua, chưa thấy các môi giới tại Cty thực hiện được hợp đồng nào".

Theo ghi nhận của CTCK Vina, ngày 15.1, đã có chào bán Vietcombank ở giá 98.000đ/CP nhưng đến ngày 16.1 đã tăng trở lại 101.000đ-103.000đ.

Theo một chuyên viên phân tích của CTCK Seabank, các chào bán Vietcombank tại thời điểm này đều là hàng đấu trực tiếp của NĐT cá nhân: "NĐT đấu ủy thác đã thực hiện hợp đồng với CTCK và làm hết các thủ tục vay tiền, không thực hiện chuyển nhượng nữa do CTCK đã đứng tên. Nếu muốn bán lại phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng với Cty".

Hiện tại khó có một thống kê chính xác về giao dịch hàng đấu giá trực tiếp. Tuy nhiên theo thực tế tại một số đại lý, các giao dịch diễn ra không nhiều. Với NĐT đấu trực tiếp, hiện chỉ có bằng chứng duy nhất chứng tỏ quyền sở hữu với VCB là phiếu thông báo kết quả của đại lý đấu giá mà NĐT đăng ký.

Việc giao dịch quyền như vậy phải thông qua đại lý mới đảm bảo an toàn vì chỉ có đại lý mới xác nhận được kết quả của NĐT đấu trúng. Thông thường, NĐT đấu trúng không bán trực tiếp cho người muốn mua mà thực hiện bán lại cho chính đại lý, sau đó đại lý mới bán cho người mua.

CTCK đứng trung gian giao dịch sẽ thu một khoản phí, có thể là 0,2% hoặc thấp hơn, tùy dịch vụ của từng CTCK. Theo nhận xét này, thời điểm thị trường niêm yết "chán" như hiện nay, khó tìm được NĐT cá nhân nào quan tâm đến thị trường OTC. Với các "đại gia" thì lượng gom lại lớn, khoảng 20-50.000 CP trong khi đa phần NĐT cá nhân chỉ đấu vài ngàn CP.

Bỏ cọc để có thể... lãi?

Hiện tại, chưa thể khẳng định chắc chắn về khả năng bỏ cọc đối với Vietcombank. Tỉ trọng tham gia của tổ chức rất lớn và nhóm này khả năng bỏ cọc gần như không có.

Lượng CP đấu trúng thuộc về NĐT cá nhân trong nước đạt khoảng 39% tổng lượng chào bán (38,12 triệu cổ phần). Đây là lượng đấu trực tiếp có nguy cơ bỏ cọc cao nhất và tập trung nhiều nhất vào nhóm bỏ giá cao hơn giá bình quân.

Một phép tính đơn giản có thể cho thấy sự lựa chọn của NĐT: Nếu bỏ cọc NĐT sẽ mất 10% theo mệnh giá. Giá giao dịch hiện tại của Vietcombank từ 100.000-102.000đ. Như vậy đối với người đặt các mức giá cao trên 10% so với giá đang giao dịch này có thể bỏ cọc vì dễ dàng mua lại trên thị trường với giá thấp hơn.

Hiện không có thống kê chính xác số lượng mua được với giá từ 110.000đ trở lên nên cũng khó xác định tỉ lệ bỏ cọc sẽ là bao nhiêu. Đối với NĐT sử dụng dịch vụ ủy thác đấu giá, xác suất bỏ cọc khá thấp.

Theo CTCK Seabank, NĐT sẽ được hỗ trợ tới 40% giá trị nên áp lực về vốn không lớn.Thực tế hầu hết khách hàng ủy thác tại Cty đã làm xong thủ tục. Nhiều CTCK có tình trạng tương tự do giá đấu bình quân của Cty thường thấp hơn giá bình quân toàn thị trường (107.000đ).

Một khả năng nữa có thể ảnh hưởng đến quyết định của NĐT là mức độ chấp nhận thời gian đọng vốn như thế nào. Đối với nhiều người, thời gian lên sàn của Vietcombank vẫn chưa rõ ràng và còn phụ thuộc vào việc đối tác chiến lược chấp nhận mua giá bao nhiêu.

Việc bỏ cọc Vietcombank có thể coi như một hành động cắt lỗ thông thường trên sàn niêm yết và nguồn vốn đó có thể được dành cho những cơ hội khác.

Không lùi thời hạn nộp tiền mua Vietcombank

Hiện trên thị trường có tin đồn Vietcombank sẽ lùi thời hạn nộp tiền mua CP thay vì ngày 22.1 tới do lo ngại khả năng bỏ cọc cao khi thị trường niêm yết ảm đạm.

Tuy nhiên, ngày 17/1, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thu Hà, Phó TGĐ Vietcombank khẳng định Vietcombank không hề có chủ trương lùi thời hạn nộp tiền. Theo quy định hiện tại, thời hạn nộp tiền đã được ghi rõ trong quy chế bán đấu giá Vietcombank do GĐ Sở GDCK TPHCM ký ban hành ngày 7.12.2007. Do đó để sửa đổi bất kỳ điều khoản nào của quy chế, sở phải ban hành một quyết định khác.

Theo Nguyễn Hoàng
Lao động

MỚI - NÓNG