Nhức nhối nạn đầu độc rừng thông

Vạt rừng ở Phi Tô bị đầu độc chết đứng (ảnh lớn). Gốc thông bị khoan lỗ để đổ hóa chất vào (ảnh nhỏ).
Vạt rừng ở Phi Tô bị đầu độc chết đứng (ảnh lớn). Gốc thông bị khoan lỗ để đổ hóa chất vào (ảnh nhỏ).
TP - Tại Lâm Đồng, lâm tặc tăng cường sử dụng các biện pháp hủy diệt để cây thông chết đứng, như dùng rìu phạt vỏ cây, khoan lỗ rồi đổ thuốc diệt cỏ vào…

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tổng kiểm tra trong toàn tỉnh để có biện pháp ứng phó bởi gần đây rộ lên nhiều vụ vi phạm lâm luật. Lần đầu tiên, các cơ quan chức năng bắt quả tang đối tượng ken cây đầu độc rừng thông. 

Bắt quả tang đối tượng diệt thông

Ngày 13/6, Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 cùng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương mật phục bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng chặt hạ và ken cây trên diện tích hơn 6.200m2 tại lô C, khoảnh 4, tiểu khu 143 thuộc địa bàn xã Đạ Sar. Tại hiện trường có 17 cây thông ba lá với đường kính gốc từ 9 - 38cm bị chặt hạ và 12 cây bị ken (vạc vỏ quanh thân hoặc quanh gốc nhằm phá vỡ mạch gỗ cho cây chết đứng). Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Dũng bắt đầu ken cây khoảng từ ngày 6/6 cho đến khi vụ phá rừng bị phát giác.

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Nguyễn Danh Tuyên cho biết qua đánh giá sơ bộ, với khối lượng gỗ và diện tích rừng bị xâm hại như trên đã đủ điều kiện để khởi tố. Đơn vị đã bàn giao hồ sơ cho Công an huyện Lạc Dương để khám nghiệm hiện trường, tiếp tục điều tra khởi tố vụ án.

Cũng trong đêm 6/6, hàng trăm cây thông ba lá được trồng hơn 30 năm trước trên diện tích 2,6 ha tại tiểu khu 466a (xã Đạm Bri, thành phố Bảo Lộc) bị xâm hại. Hạt kiểm lâm Bảo Lộc phát hiện vụ việc 3 ngày sau đó, khi đi tuần tra bảo vệ rừng và truy quét lâm tặc. Hạt kiểm lâm cho biết, đối tượng đã dùng rìu để ken cây rồi đổ thuốc diệt cỏ nhãn hiệu Tansate vào (vỏ chai thuốc vẫn còn tại hiện trường).

Trung tuần tháng 4 vừa qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban cũng đề nghị các ngành chức năng tăng cường lực lượng hỗ trợ để ngăn chặn tình trạng phá rừng xảy ra nghiêm trọng trong thời gian dài tại khoảnh 3, tiểu khu 262A thuộc xã Phi Tô, Lâm Hà. Hàng trăm cây thông đã bị cưa hạ trơ gốc và hàng trăm cây khác bị đầu độc chết đứng. Cùng thời gian này, Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đề nghị Công an huyện Lạc Dương điều tra truy tìm thủ phạm tàn phá rừng thông tại tiểu khu 114A. Có tới 90 cây thông khoảng 20 năm tuổi (trữ lượng gỗ hơn 36m3) bị đầu độc bằng hóa chất.

Vô phương cứu chữa

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng Lại Thế Hưng nói, đã cử cán bộ đến  tiểu khu 466a (xã Đạm Bri) theo đề nghị của Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc để xem xét khả năng phục hồi rừng thông. Tuy nhiên, nếu bị đầu độc bằng thuốc diệt cỏ thì hầu như không cứu được. Ngay cả đối với con người, phác đồ điều trị những ca ngộ độc thuốc diệt cỏ là rất khó khăn. Người uống thuốc diệt cỏ hầu hết đều tử vong. Thủ đoạn của các đối tượng là chặt đứt rễ để phá vỡ mạch gỗ hoặc khoan lỗ vào mạch gỗ, sau đó đổ thuốc diệt cỏ vào. Thuốc theo mạch gỗ dẫn lên trên khiến cây chết dần trong vòng hơn 1 tháng. Một số chuyên gia cũng cho hay, nếu chỉ bị ken thì cây chết sau vài tháng nhưng đổ hóa chất vào thì cây chết nhanh hơn.

Những cây thông bị chết phần thì bị đổ trong mưa bão, phần thì bị lén lút cưa hạ rồi trồng cà phê, rau màu. “Thực trạng các khoảnh rừng bị đầu độc thường giáp ranh với các vườn cà phê, rau màu... cho thấy mục đích đầu độc cho cây chết hàng loạt là để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp. Thế nhưng để bắt quả tang hành vi vi phạm là rất khó bởi các đối tượng thường lén lút đầu độc cây vào ban đêm. Hành vi này ít gây ra tiếng động lớn nên khó bị phát hiện”- một cán bộ lâm nghiệp băn khoăn.

“Đã bắt quả tang đối tượng đầu độc rừng thông thì phải xử lý nghiêm bằng cách phạt tù, bắt bồi thường thật nặng. Lâu nay chế tài xử phạt đối với những đối tượng phá rừng còn nhẹ, chủ yếu xử tù treo hoặc xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Hãy mở những phiên xét xử công khai tại cộng đồng dân cư, các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, cơ quan chức năng tuyên truyền kết quả xét xử đến các cộng đồng dân cư sống và canh tác gần rừng” - ông Hưng đề xuất. Một giải pháp khác, theo các chuyên gia, cần phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đã để xảy ra phá rừng.    

Ông Nguyễn Danh Tuyên cho biết, tỉnh đã lập 4 đoàn kiểm tra do lãnh đạo đầu ngành của Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT và Sở  TN&MT phụ trách để kiểm tra tình hình quản lý bảo vệ rừng tại các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm. 8 huyện, thành còn lại tự kiểm tra và báo cáo kết quả. Thời gian kiểm tra từ ngày 10 đến 20/6.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.