Nhức nhối môi trường ở khu vực nông nghiệp, nông thôn

Nhức nhối môi trường ở khu vực nông nghiệp, nông thôn
TP - Bộ NN&PTNT mở hội thảo về môi trường nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục nóng bỏng những vấn đề: rác thải làng nghề; sử dụng không hợp lý thuốc bảo vệ thực vật...
Nhức nhối môi trường ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ảnh 1
Ô nhiễm tại một làng nghề ở Hà Nội. Ảnh: P.Sưởng

Theo Cục trưởng Chăn nuôi Hoàng Kim Giao, hiện trạng ô nhiễm do chăn nuôi gây ra đang ngày một gia tăng ở mức báo động. Năm 2007, cả nước có hơn 61 triệu tấn phân vật nuôi được thải ra, nhưng chỉ 40% được xử lý, còn lại xả ra môi trường.

Chính lượng phân không được xử lý và tái sử dụng là nguồn cấp phần lớn các khí nhà kính (chủ yếu là CO2, N2O) làm trái đất nóng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm rối loạn độ phì của đất, nhiễm kim loại nặng, gây phì dưỡng và ô nhiễm nước.

Theo điều tra gần đây, tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), số phân gia súc dùng cho biogas chỉ chiếm 10%; 80%, không ủ, đem bán hoặc nuôi cá trực tiếp; 10% còn lại thải trực tiếp ra vườn. Tại huyện Lâm Thao (Phú Thọ), có tới 90% phân thải không xử lý.

Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc BVTV và phân bón đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và môi trường. Từ năm 2000 tới nay, nước ta sử dụng 33-75 nghìn tấn thuốc BVTV, gấp 2 - 3 lần so với thời gian 1991 - 2000.

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại, tùy tiện không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, thời gian cách ly của từng loại thuốc đã dẫn đến nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và đồng ruộng bị ô nhiễm.

Ô nhiễm từ các làng nghề cũng rất ghê gớm. Cả nước hiện có hơn 1.450 làng nghề. Đa số các làng nghề bị ô nhiễm bởi chất thải sản xuất, bụi, khí độc, cặn bã… trong quá trình sản xuất thải trực tiếp ra ngoài, gây ô nhiễm cục bộ.

Vệ sinh môi trường nong thôn gần như chưa được kiểm soát; chất thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp bị xả bừa bãi; chưa có hệ thống thu gom phế thải để xử lý; 30% dân số nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh. Số “làng ung thư” xuất hiện ngày càng nhiều…

Lúng túng tìm giải pháp

Ông Nguyễn Bỉnh Thìn (Vụ KH-CN-MT, Bộ NN&PTNT) cho rằng, những mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thiếu hệ thống văn bản, tổ chức quản lý, xử lý các vấn đề môi trường… đang là những rào cản rất lớn trong việc đưa ra những giải pháp.

Trước tiên phải có khung pháp lý cũng như những chính sách để đảm bảo tính cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Sau nữa, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quản lý môi trường NN, NT từ T.Ư đến địa phương.

Ông Thìn cũng đề xuất giải pháp thiết lập, mở rộng hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường trong hoạt động sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra hóa chất độc hại trong sản phẩm; từ đó ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro môi trường và tranh chấp thương mại...

Hiện, tình trạng tự phát trong sản xuất, nhất là trong khu vực chuyển đổi lúa tôm, tranh chấp lúa tôm, nuôi tôm trên cát làm ô nhiễm, suy giảm tài nguyên nước ngầm, nước mặt; việc tự ý chuyển đổi các hệ thống cây trồng thiếu quy hoạch dẫn đến dịch bệnh lây lan và phát tán nhanh cũng là một thách thức. Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực, nhưng các chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, việc triển khai các chương trình, dự án về vệ sinh môi trường ở NT đang có nhiều lúng túng, mới chỉ thực hiện được ở những khâu nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Bảo vệ môi trường NT phải làm một cách tổng thể, có sự tham gia của các ngành, các cấp.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Liệu có thể sản xuất tốt nếu ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, BVTV, phân bón? Liệu có thể phát triển đàn gia súc gia cầm nếu còn chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông dẫn đến không kiểm soát được, và chất thải không được thu gom xử lý?

Làng nghề có phát triển được không, nếu chất thải kim loại nặng cứ thải ra ao, hồ, kênh, mương và ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người dân?... Tất cả những vấn đề nóng hiện nay như dịch bệnh, sức khỏe người dân, khó khăn của làng nghề... đều liên quan nạn ô nhiễm môi trường.

Ngành Nông nghiệp phải nghiêm khắc kiểm điểm, xem lại trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường ở nông nghiệp, nông thôn hiện nay”.   

MỚI - NÓNG