Tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày Tiền phong ra số báo đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2008:

Như nghĩ đến những ngày thơ ấu

Như nghĩ đến những ngày thơ ấu
TP - Cuối năm 1954, hết đợt tiếp quản Hà Nội, tôi được chuyển về báo Tiền phong làm phóng viên, nên chỉ là thế hệ thứ hai. Trước chúng tôi còn có những vị tiền bối sáng lập như Nguyễn Thanh Dương, Tôn Đức Lượng, Lê Quân, Ngô Vĩnh Viễn, Trần Dư, Mai Nam...
Như nghĩ đến những ngày thơ ấu ảnh 1
Cán bộ, phóng viên báo Tiền phong chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở báo số 45 Hàm Long năm 1955 (ảnh chụp lại do nhà văn Bùi Ngọc Tấn cung cấp)

Chẳng thể nào diễn đạt được niềm hạnh phúc của chúng tôi khi đó. Hồi còn ở thanh niên xung phong, đọc báo Tiền phong, những cái tên ghi dưới măng sét báo với chúng tôi là tỏa sáng xa vời lấp lánh: Chủ nhiệm Nguyễn Lam, chủ bút Nguyễn Thanh Dương, những minh họa Tôn Đức Lượng, Trần Dư, những ảnh Tôn Sơn (Mai Nam), những bài của Vũ Giang, Lê Quân...

Nay được về làm việc cùng với họ, ra vào gặp họ, ngồi cùng phòng với họ, ăn cơm với họ, nhìn họ cười nói, thật như đang sống trên mây. Ngày ấy lớp phóng viên  mới bổ sung chúng tôi đều rất trẻ. Mạc Lân, Tất Vinh già nhất cũng chỉ 26 tuổi. Còn rặt một lũ mới lớn trên dưới 20.

Nhớ về Tiền phong ngày ấy là nhớ đến những năm tháng tốt đẹp nhất của xã hội miền Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Những nét mặt “người với người là bạn” rạng rỡ niềm tin ở ngày mai, ở thời gian ủng hộ chúng ta, ở những kế hoạch khôi phục kinh tế, kế hoạch 5 năm.

Có một chuyện giờ đây không thể có: Một tối tôi đạp xe đạp (công) từ 45 Hàm Long ra phố Huế ăn phở, một ông hàng phở vỉa hè. Có lẽ vì bát phở quá ngon hay vì đang yêu cũng không nhớ nữa, ăn xong tôi đi bộ về cơ quan. Sáng hôm sau, anh Ngô Vĩnh Viễn cần xe đạp đi, tìm mãi không thấy:

- Cái xe Parker biển xanh ai đi rồi nhỉ?

Giật mình, tôi vội chạy một mạch ra phố Huế, chiếc xe vẫn dựng ở gốc cây, nguyên chỗ cũ.

Nhớ về Tiền phong ngày ấy là nhớ đến những năm tháng tuổi trẻ, khát vọng đầy lòng. Những chuyến đi các tỉnh biết bao khó khăn nhưng luôn hấp dẫn, bởi chỉ có bám chắc cơ sở mới có vốn sống viết báo và tích cóp để viết văn. Phương tiện đi lại là ô tô, xe lửa.

Lấy được vé tầu vé xe là cả một sự thử thách lòng kiên nhẫn, hơn nữa còn những quy định ngặt nghèo: Mỗi ô tô chỉ chở 5 xe đạp. Lại có lúc xe hỏa không chở xe đạp. Nên kẻ viết bài này phải ra hiệu xe thuê tháo rời hai bánh xe, buộc chặt vào khung, xách theo như một hành lý xách tay (phải mua vé hành lý), rồi khi xuống ga Hải Phòng lại ra hiệu xe, thuê họ lắp lại. Không có xe đạp làm sao về mãi An Sơn viết bài chống hạn được?

Thật nhiêu khê nên tôi hay đạp xe hơn cả. Đạp xe về Đông Triều, rồi lại đạp từ Đông Triều về Hà Nội. Trưa ăn cơm ở Bắc Giang. Chiều về tới Bắc Ninh, tối tới cơ quan 45 Hàm Long Hà Nội, nằm vật ra thở.

Tự cho phép mình xài sang: Uống một cốc sữa đá tại nhà hàng giải khát bên kia đường. Khoảng cách Hà Nội - Phủ Lý 55km là ngon. Ngày ấy còn trẻ, còn khỏe. Nhớ một lần đang đạp bị đau khớp cấp tính, quẳng xe nằm ra vệ đường ngủ. Sau giấc ngủ vệ đường, chứng đau khớp tạm lui. Thế là kịp đạp về Phủ Lý.

Đi công tác, dù ở Tỉnh Đoàn hay nhà dân, trong ba lô cũng phải có chăn màn. Mùa nóng còn đỡ, mùa rét cả một cái chăn sợi hoặc chăn bông cá nhân. Ngày ấy chả đâu có chăn màn thừa. Nếu có thì cũng vá víu chằm đụp, ẩm và hôi hám. Với tôi hành lý còn thêm một cái gối nữa. Không có gối đúng kích cỡ quen thuộc khó ngủ lắm.

Ăn là vấn đề khá gay go, nhất là khi về những khu vành đai trắng. Đó là một vành đai đồng đất bỏ hoang do Pháp lập ra để ngăn cách vùng tạm chiếm và vùng tự do. Những người dân mới trở về làng. Dây thép gai. Mìn. Cỏ lác. Nhà cửa mới cơi lên như lều, như quán. Gà con mới mua. Chó con mới thả. Đi thăm đồng về nhà bí thư chi đoàn thì cơm dọn ra. Một niêu đất con, bên trên toàn rau má, bên dưới mấy thìa cơm.

Ngày ấy, chúng tôi đi công tác ít khi dùng đến bút. Nếu phải hỏi, phải ghi cũng chỉ là mấy con số cần nhớ. Chúng tôi đến với cơ sở như đến với những người bạn. Sống, làm việc cùng họ. Nguyễn Trí Tình ngày 30 Tết có mặt ở Lạng Sơn để cùng đội lái tầu xuôi về ga Hàng Cỏ lúc giao thừa, rồi bước vào cơ quan với bánh pháo nổ ran. Nhiều đêm anh còn đi đổ thùng với các anh chị công nhân vệ sinh để rồi xuất hiện bài báo “Các anh các chị đổ thùng” gây xúc động biết bao người.

Tôi thì về Lâm Động (Thủy Nguyên) tát ao bắt cá, tổ chức đại hội chi đoàn xã. Rồi tới một làng vùng đồng chiêm trũng Hà Nam. Đập lúa với anh bí thư Đoàn là chủ nhà và tắm ngay ở cầu ao...

Ngày ấy báo Tiền phong luôn đứng ở mũi nhọn cuộc sống. Ngày ấy, Tiền phong được các bạn đồng nghiệp đánh giá cao. Và ngày ấy chúng tôi còn rất trẻ. Mồng một Tết đón các cộng tác viên như Hoài Mỹ, Dương Thị Xuân Quý mang hoa đến tặng. Hay ngồi im cho Thục Phi ký họa rồi cùng nhau đánh bi ở phòng khách 64 Bà Triệu.

Cơ quan luôn vang tiếng cười. Chúng tôi cười khi Nguyễn Trí Tình tiếp bạn đọc là nữ sinh Hà Nội. Lúc đó Tình không nói tiếng Nghệ An mà phát âm giọng du dương Hà Nội và thế nào Mai Nam cũng mon men ra sa lông xin tiền mua thuốc lá. Dường như không để ý đến chuyện tiền nong, Tình rút trong túi ra “một nắm bạc vụn” đưa cho Mai Nam mà không thèm đếm, thèm nhìn.

Ngày ấy Phan Mai thay người yêu một cách khủng khiếp. Gần như mỗi tuần anh lại đá một cô. Mà những cô này không hề biết có một chàng trai tên là Phan Mai trên cuộc đời này vừa đá cô ta. Theo lời Phùng Quán (dạo ấy hay la cà ở Tiền phong) Phan Mai có cách đá độc đáo của mình: Anh lấy mông mình đá vào chân cô gái...

Biết bao chuyện đã qua đi của một thời trai trẻ. Giờ đây nhớ lại những ngày Tiền phong ấy bao giờ tôi cũng thấy ngập tràn hạnh phúc. Cùng với hạnh phúc là da diết hoài nhớ, hệt như khi nghĩ đến những ngày thơ ấu.

MỚI - NÓNG