Gần 5 giờ sáng, từng đoàn thuyền nối đuôi nhau cặp bến đầy ắp cá mu, mực ống được ngư dân chuyển lên bờ cho các tiểu thương đang chờ sẵn. “Tình hình mua bán đã đang dần ổn định trở lại. Mong giá một số loại hải sản tiếp tục tăng để động viên ngư dân bám biển”, chị Nguyễn Thị Tuyết, kinh doanh hải sản tại cảng cá Cửa Nhượng nói.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trực tiếp xuống động viên, hỗ người dân cũng như kiểm tra công tác giám sát, lấy mẫu hải sản kiểm tra chất lượng của lực lượng chức năng tại cảng cá Cửa Nhượng và Thạch Kim (Lộc Hà).
Tại cảng cá Thạch Kim, sau khi nghe từng ý kiến, kiến nghị của người dân cũng như tiểu thương. Trước đông đảo người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Thạch Kim: “Hiện UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cụ thể cho địa phương. Lãnh đạo địa phương phải bám sát tâm tư nguyện vọng của người dân. Việc kê khai, hỗ trợ phải công khai, minh bạch. Việc gì phát sinh phải báo cáo ngay lãnh đạo UBND huyện, Sở NN&PTNT, Sở Công thương để xử lý. Nếu việc hỗ trợ, giám sát có việc gì các anh phải chịu trách nhiệm đầu tiên”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Giám đốc các Sở Công thương, NN&PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, xã và các đoàn kiểm tra lấy mẫu phải bám sát để tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của người dân để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc hỗ trợ, tiêu thụ hải sản.
Chị Trần Thị Tứ, Chủ cơ sở đông lạnh Toàn Tứ (Thạch Kim) kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh cần phải có chính sách hỗ trợ cho những người dân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ.
“Những cơ sở lớn như chúng tôi ngân hàng đã làm việc và có hỗ trợ. Chỉ thương những người kinh doanh nhỏ lẻ, mong nhà nước có chính sách hỗ trợ những trường hợp này”, chị Trần Thị Tứ nói.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Hà Tĩnh, hiện các huyện ở vùng bãi ngang ảnh hưởng trực tiếp đã được tỉnh hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho người dân và đã cấp cho các địa phương này số tiền hỗ trợ 23 tỷ đồng.