Nhóm phượt dũng cảm cứu nạn nhân xe khách lao xuống vực trong đêm

Cùng với lực lượng công an và người dân, các phượt thủ tham gia cứu người. ảnh: Vnexpress
Cùng với lực lượng công an và người dân, các phượt thủ tham gia cứu người. ảnh: Vnexpress
TP - Trên hành trình từ Hà Nội lên Sa Pa, các thành viên trong nhóm phượt Phong Vân đã dũng cảm lần mò xuống vực sâu trong màn đêm để tìm kiếm, cứu những hành khách trên chiếc xe 46 chỗ gặp nạn ở trên quốc lộ 4D đoạn dốc Tòng Sành, Lào Cai (tối 1/9). 

Gần 19h ngày 1/9, cả đoàn đang leo dốc Tòng Sành trên quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa thì bất ngờ chứng kiến chiếc xe khách giường nằm phía trước văng khỏi trục đường, lao xuống vực. Những âm thanh rợn người dội lại trong đêm tối. Các thành viên trong đoàn thông báo về vụ tai nạn cho nhau, rồi 18 thành viên tổ chức tham gia tìm kiếm, cứu người bị nạn. 

Vượt qua sợ hãi

Những thành viên trong đoàn phượt, phần nhiều là sinh viên, chưa từng gặp cảnh tai nạn kinh hoàng, không khỏi bị sốc. Nhưng họ nhanh chóng gạt đi nỗi sợ hãi khi đi qua những thi thể đã chết còn chưa kịp nhắm mắt, họ lần mò tìm người còn sống sơ cứu, di chuyển nhanh khỏi hiện trường. 

Trưởng đoàn phượt Phong Vân (SN 1985) cho biết: Trước mắt các thành viên là cảnh chiếc xe bị biến dạng, các nạn nhân nằm la liệt trên mặt đất. Với những dụng cụ phát sáng như đèn pin, điện thoại, các thành viên lần mò từng bụi cây, hốc đá, dưới những mảnh vỡ của xe để tìm kiếm người. Nhiều thành viên trong đoàn bắt gặp nạn nhân đã tắt thở. 

Bùi Ngọc Đức (SV ĐH Bách khoa Hà Nội) bộc bạch: “Trước cảnh tượng thảm khốc đó, mình và một số thành viên trong đoàn đã chuyền tay nhau bình toong nhỏ đựng rượu để nhấp mỗi người một ngụm lấy bình tĩnh và khỏi lạnh để tìm kiếm”. Từ ánh sáng của chiếc đèn pin nhỏ, Bùi Ngọc Đức (SV ĐH Bách khoa Hà Nội) bám vào từng cây cỏ để tụt xuống dốc. Đức bảo, “Nếu bình thường, mình nghĩ 10 người thì phải đến 8 người không dám tụt xuống con dốc sâu đó. Nhưng lúc đó, bọn mình chỉ nghĩ đến phải cứu người, rồi cứ bò, trượt xuống”. 

Quỳnh Trang (SN 1988, phóng viên một báo điện tử ở Hà Nội) là một trong thành viên nữ đầu tiên của nhóm phượt có mặt dưới chân dốc để tìm kiếm các nạn nhân. Kể về lúc gặp những thi thể nạn nhân đầu tiên, Trang cho hay: “Lúc đó chân mình không còn chủ động được nữa. Nhưng nghĩ đến những người bị thương vẫn còn sống và mình có dụng cụ sơ cứu để tự động viên bản thân phải vượt qua nỗi sợ hãi, để đi tiếp”.

“Có một câu hỏi lớn về đạo đức nghề nghiệp trước vẫn băn khoăn, giờ đã có lời giải. Trước một tai nạn, việc đầu tiên mình làm là gọi về cho tòa soạn báo tin, gọi cứu hộ, rồi sau đó trở thành người cứu hộ. Vai trò phóng viên khi ấy quên hết… Trước khi trở thành ai đó thì phải là một con người đã”.

Trích Facebook của nữ phóng viên Quỳnh Trang

Quỳnh Trang vẫn nhớ trường hợp nam thanh niên bị thương ở phần đầu, hỏi bằng giọng miền Nam rằng “Tại sao lại ở đây? Đừng bỏ lại em một mình”… (Về sau tìm và gặp lại trong bệnh viện, Quỳnh Trang cho biết, nạn nhân này tên Huy, SN 1990, quê Bình Thuận).

 “Những nạn nhân còn sống, mình và các thành viên đều cố gắng để động viên tinh thần họ và hỏi thông tin về họ tên, địa chỉ, người thân …, cũng như tình trạng thương tích để sơ cứu”, Quỳnh Trang cho hay. 

Còn Bùi Ngọc Đức khi gặp nạn nhân tên Vân là nữ sinh ĐH Y Hà Nội, kể: “Vân bị thương ở đùi, không thể cựa người lại đang hoảng loạn càng không thể đưa ngay khỏi vực. Để trấn an, mình đã tháo chiếc vòng đá do một sư thầy ở Hà Tĩnh tặng, đeo vào tay bạn ấy”. 

Những chiếc giường tháo từ xe khách bị nạn được mọi người sử dụng làm cáng. Quỳnh Trang cho biết: “Các bạn đã xếp thành hàng dài, rồi lần lượt chuyền tay nhau những chiếc cáng có nạn nhân lên trên mặt đường. Mọi người còn dùng vai, đầu để giữ các nạn nhân khỏi trượt khỏi cáng do chuyển ngược dốc”.

Tình người

Nhiều thành viên nhóm phượt Phong Vân không quản nguy hiểm để cứu người. Nguyễn Lê Nguyên (vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội) bỏ lại giày bị hỏng và đi chân trần để mang đồ bảo hộ xuống vực sơ cứu cho nạn nhân. Dù chân bị cứa nhiều chỗ do mảnh kính, gai rừng, đất đá, Nguyên vẫn cùng đồng đội cố hết sức tìm kiếm và đưa người bị nạn lên trên đường. 

Nữ thành viên Lê Diệu, dù bị sốt từ hôm trước vẫn hăng hái theo chân mọi người xuống vực cứu nạn. Không đủ sức nâng đỡ người bị thương, Diệu chờ đồng đội đến hỗ trợ. Khi đa số nạn nhân đã được cứu, cũng là lúc cô mệt lử và phải đưa vào bệnh xá để truyền nước. Còn với Quỳnh Trang, việc cứu người bị nạn trên cung phượt còn để thêm khẳng định cho câu trả lời về đạo đức nghề nghiệp. 

Trong hành trình về Hà Nội, cả đoàn đã quay lại bệnh viện để thăm những người bị nạn. Phong Vân cho hay: “Theo lịch trình, đoàn mình sẽ vòng đường khác để ngắm cảnh và về Hà Nội, nhưng mọi người đều quyết định quay lại bệnh viện Lào Cai thăm các nạn nhân”. Trong bệnh viện, những thành viên nhóm phượt phần nào được an ủi khi đã có một số người bị nạn đã vượt qua cơn nguy kịch.

MỚI - NÓNG