Nhóm nhạc đầu tiên ở Việt Nam chơi piano 4 tay

Nhóm Duo Mây. Ảnh: Hồng Trang
Nhóm Duo Mây. Ảnh: Hồng Trang
TP - Sự xuất hiện của nhóm song tấu Duo Mây được nhạc sĩ piano Đặng Hữu Phúc ví von như những “cơn mưa âm nhạc làm mát mẻ cho nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam vẫn còn đang khát những giá trị đích thực”.

Phiêu du âm nhạc cùng “Mây”

Tối qua (9/3), tại trung tâm văn hoá Pháp L’Espace, cặp song tấu piano Trần Thị Tâm Ngọc và Phạm Quỳnh Trang, hai thành viên của nhóm nhạc Duo Mây đã chiêu đãi khán giả thủ đô một đêm nhạc đỉnh cao, ấn tượng.

Để có được một đêm nhạc chỉ 4 tác phẩm, các nghệ sĩ cho biết, phải mất hàng tháng trời tập luyện cùng nhau mỗi ngày. Có bài phải tập ròng rã 2-3 tháng mới ưng ý.

 “Duo piano”- hòa tấu đàn piano và chơi bốn tay (hai người trên một đàn) là một hình thức biểu diễn khá quen thuộc và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Theo nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, ở Việt Nam, hình thức này cũng đã được biết đến từ khi có khoa piano của Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhưng có chăng chỉ là những sự kết hợp đơn lẻ trong một số chương trình hoà nhạc, còn để có một ban nhạc hoạt động, biểu diễn chuyên nghiệp theo hình thức này thì từ trước đến nay mới chỉ thấy Duo Mây.

Thành lập từ năm 2012, Duo Mây đã có nhiều chương trình biểu diễn thành công tại các phòng hòa nhạc ở trong nước và nước ngoài. Trần Thị Tâm Ngọc tốt nghiệp xuất sắc Nhạc Viện Yong Siew Toh- Singapore và nhận học bổng chương trình đào tạo thạc sĩ và chuyên sâu về biểu diễn của Nhạc Viện Boston- Mỹ. Chị giành được giải cao nhất cuộc thi âm nhạc Chopin quốc tế Đông Nam Á (Kuala Lumpur, Malaysia, 2004), Giải nhất cuộc thi cho piano solo và âm nhạc thính phòng của nhạc viện Boston (2007, 2008 và 2009)…

Phạm Quỳnh Trang thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn trong và ngoài nước, chơi nhạc với những nghệ sĩ tên tuổi của thế giới, đã hoàn thành khóa học nâng cao tại Nhạc viện Franz Liszt, Weimar, Đức. Quỳnh Trang cũng là thành viên chính thức của nhóm nhạc thính phòng Sông Hồng Chamber. Chị đã cùng nhóm nhạc này nhận được học bổng cho khóa học thính phòng tại Mỹ dưới sự hướng dẫn tận tình của Proffesor Schmider nổi tiếng thế giới.

Duo Mây đã nhanh chóng được người yêu nhạc cổ điển chào đón nồng nhiệt và giới chuyên môn đánh giá cao.  Duo Mây có danh mục biểu diễn phong phú, chất lượng (tối qua, họ đã chơi phần một của Vũ điệu giao hưởng op.45 - Sergei Rachmaninoff, Petite suite soạn cho piano 4 tay - Claude Debussy, giao hưởng thơ - Camille Saint-Saens, Vũ điệu thần chết op.40 được chuyển soạn cho piano, Concertino op.94 - Dimitri Shostakovich).

Giấc mơ “khán giả không ngủ”

Quỳnh Trang cho biết, chơi song tấu đòi hỏi cả hai phải thực sự hiểu nhau, đồng điệu trong cách chơi, xử lý bài. “Nếu như Trang thuần tính hơn thì Ngọc lại có phần mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nhưng khi tập với nhau, chúng tôi cùng tĩnh lặng và trao đổi với nhau qua âm thanh để đạt được sự đồng điệu”. Bên cạnh đó, nhóm cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm bài, tìm chỗ tập, tìm nơi biểu diễn, bởi piano luôn là môn nghệ thuật kén chỗ tập, kén tác phẩm.

“Chúng tôi còn muốn mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng”, Tâm Ngọc nói. Để hiện thực hoá mục tiêu ấy, nhóm đã ngỏ lời với nhạc sĩ piano Đặng Hữu Phúc để có những tác phẩm Việt Nam chơi được song tấu piano hoặc 4 tay trên một đàn. Hai tác phẩm “Trống cơm” và “Chuyển động không ngừng” đã được Đặng Hữu Phúc “thửa riêng” cho nhóm Duo Mây. “Năm 2014, khi chúng tôi sang giao lưu âm nhạc với Học viện Âm nhạc Quảng Tây, Trung Quốc bài “Trống cơm” thì khán giả bên đó rất thích thú, thậm chí còn lên hỏi và xin bài. Khi biểu diễn ở Việt Nam, khán giả vô cùng hào hứng, đặc biệt là các em nhỏ. Mọi người đã nhận xét rằng hoá ra âm nhạc cổ điển không xa vời, khó hiểu như người ta vẫn nghĩ”, Quỳnh Trang nhớ lại.

Tâm Ngọc bật cười chia sẻ thêm: “Còn nhớ, ngày trước khi mình mang vé đi mời, người ta còn chẳng đi, cũng tủi thân lắm! Nhưng đến nay, rõ ràng đã có sự thay đổi nhất định. Các chương trình làm chung hay của riêng nhóm luôn bán hết vé”.

Hàng năm, Duo Mây thực hiện đều đặn 2-3 chương trình hoà nhạc riêng. Từ năm 2017, nhóm đã khởi xướng và cùng các nghệ sĩ, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia tổ chức chương trình âm nhạc từ thiện thường niên “Thu yêu thương”, mang âm nhạc kết nối những trái tim, lan tỏa tình yêu thương tới những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. “Thời gian tới, nhóm cũng mong sẽ có thể đi vào các trường học biểu diễn piano cho học sinh nghe. Truyền cảm hứng, ươm mầm một thế hệ khán giả kế cận cho dòng âm nhạc cổ điển”, các nghệ sĩ hào hứng chia sẻ.

MỚI - NÓNG