Nhóm lợi ích + xã hội đen

TP - Phải “loại bỏ những băng nhóm xã hội đen xuất hiện trong nền kinh tế thị trường đe dọa cuộc sống người dân và doanh nghiệp”. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, diễn ra sáng 5/1 tại TP Hồ Chí Minh.

Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, làm việc với Sở Xây dựng, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết các nhóm xã hội đen đã “chuyển hướng sang lấn chiếm đất đai, lấn chiếm đất công chứ không thèm đi ra chiếm đoạt vài ba ngàn theo kiểu ở bến xe bến cóc như ngày xưa nữa. Việc lấn chiếm đất này còn diễn ra nghiêm trọng”.          

Không phải ngẫu nhiên cụm từ “xã hội đen” xuất hiện trong bối cảnh và thời điểm này. Khi vẫn còn văng vẳng lời bức xúc của cử tri Đà Nẵng: “Vũ “nhôm” là ai mà người ta đặt ra biệt danh “mafia” của Đà Nẵng? Tại sao để Vũ “nhôm” tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế?. Vũ “nhôm” không chỉ thao túng kinh tế mà còn thao túng cả chính quyền Đà Nẵng?”.

Bản thân ông Nguyễn Xuân Anh, khi còn là Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng từng hỏi: “Có hay không một bộ phận công an có liên hệ với các đối tượng xã hội đen, băng nhóm bên ngoài?”.

Xã hội đen một số nơi đã dám đe dọa các quan chức quan trọng của chính quyền, và có nơi chính quyền phải ngán ngại chúng. Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lẫn giám đốc Công an tỉnh do ngăn chặn nạo vét hút cát nên bị nhắn tin dọa giết, phải cầu cứu Thủ tướng. Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cùng nhiều lãnh đạo cũng bị nhắn dọa giết. Sau khi điều tra, mới rõ những đối tượng trong hai vụ trên thì một là chủ doanh nghiệp tư nhân, một là giám đốc công ty nhà nước.          

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mà hành xử như xã hội đen. Sự pha trộn giữa “đỏ” và  “đen”, có lẽ đó mới là điều đáng sợ hơn cả. Khi có sự kết hợp giữa các nhóm lợi ích (đỏ) nắm quyền hành trong tay với các thế lực xã hội đen với sức mạnh đồng tiền và sự liều lĩnh không ngán ngại luật pháp.

Như chuyện ở Hà Nội, xã hội đen lấn chiếm đất rồi đem bán, mới nghe chẳng ai tin. Bởi nếu không có bao nhiêu con dấu của chính quyền, sở ngành ký tá vào giấy tờ thì đất ấy bán cho ai? Ai mua?

Đất đai chứ có phải món đồ ăn cướp ăn trộm đâu mà mua rẻ để lén lút sử dụng?! Tình trạng xã hội đen ra mặt thao túng trong các cuộc đấu giá đất khiến người dân bị “bật ra ngoài” đang xuất hiện ở không ít địa phương, liệu sau đó có sự hậu thuẫn của ai đó trong chính quyền? Cũng như Đà Nẵng, tại sao chỉ một mình Vũ “nhôm” thâu tóm được hầu hết đất vàng giá rẻ? Chống lưng cho Vũ là “đỏ” hay “đen”, hay cả hai kết hợp?

BOT là “của anh hay của em” như lời nguyên Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, đến lát đá vỉa hè Hà Nội, có “con ông cháu cha” thò tay vào, đó có thể mới chỉ là những nhóm lợi ích đơn thuần. Thực tế hẳn còn những sự bắt tay “cao siêu” hơn, khiến có những bộ máy chính quyền địa phương bị “tê liệt sức chiến đấu”.

Nhóm lợi ích bắt tay với xã hội đen sẽ là một lực cản mới đầy cam go trong cuộc chiến chống tham nhũng đang giai đoạn cao trào hiện nay.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).