Nhóm giữ trẻ 'mọc' khắp nơi

Nhóm giữ trẻ 'mọc' khắp nơi
Sau vụ bà Quảng Thị Kim Hoa (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) có những hành vi bạo hành đối với trẻ em, phóng viên đã đi sâu vào những khu dân cư và phát hiện tình trạng giữ trẻ không phép đang lan tràn ở địa phương này.
Nhóm giữ trẻ 'mọc' khắp nơi ảnh 1
Bữa ăn tại một nhóm trẻ ở phường Hóa An (TP Biên Hòa) -Ảnh: Tuổi trẻ.

Bà T., một người giữ trẻ ở phường Tân Phong, cắt ngang lời khi nghe hỏi về tình hình hoạt động và chuyện thuế má: "Mình giữ như con cháu trong nhà, làm gì có phép tắc. Mình làm, âm thầm...".

Còn chị H. ở gần Hóa An thì nói: "Giữ con hàng xóm giống như con cháu trong nhà thôi. Giữ như thế này thì đâu cần đăng ký giấy phép làm gì”.

Chỗ nào cũng có nhóm giữ trẻ

Con đường trải nhựa dẫn vào phường Tân Phong có vẻ êm đềm. Thế nhưng đi sâu vào bên trong xóm là tiếng trẻ con khóc dội thẳng vào tai. Tại dãy B với trên 20 căn nhà nhưng có tới ba nhà giữ trẻ.

Trong căn nhà nhỏ của mình, vợ chồng ông B. đang trông nom cả thảy 14 đứa trẻ. Ông B. kể lể: "Hai vợ chồng tôi lâu lâu mới "cấy" thêm một đứa nhỏ. Giờ nhiều quá rồi, không nhận thêm nữa".

Ngay bên cạnh nhà ông B., bà T. cũng đang trông coi chín đứa nhỏ. Hầu hết các cháu từ 1 đến 3 tuổi. Khi thấy có khách hỏi gửi một cháu 6 tháng tuổi, bà T. tỏ vẻ chần chừ, không dám nhận, nhưng vẫn nói: "Ở đây giữ uy tín lắm, không phải tốt mà quảng cáo đâu nhé!".

Bà T. đưa khách xuống bếp để xem khu vực nấu ăn và nơi tắm rửa cho các cháu. Bà nói tiếp: "Sáu tháng thì 300.000 đồng/tháng, tiền ăn 200.000 nữa. Như thế là lấy giá bình dân lắm rồi đó. Hầu hết ở đây, bố mẹ chúng nó đều là công nhân nên đâu có nhiều tiền".

Vòng qua bên dãy A cũng có đến bốn gia đình làm nghề giữ trẻ. Tại đây có cả những người giữ trẻ... cho vui, giữ trẻ cho biết. Khi chúng tôi ghé vào căn nhà A3... hỏi thăm thì từ nhà kế bên vang lên giọng của một người con gái: "Gửi trẻ hả? Bao nhiêu tuổi rồi? Để em giữ cho".

Điều ngạc nhiên là cô gái này không hình dung nổi một đứa bé 6 tháng tuổi lớn như thế nào. Cô ta hỏi người hàng xóm: "6 tháng đã biết đi chưa chị há? Em giữ cho vui thôi, chứ nghỉ làm ở nhà một mình buồn quá!".

Sát bên phường Tân Phong là khu phố 6, phường Trung Dũng, không ai không biết nhà bà L.. Bà đã chục năm làm nghề này. Kế bên nhà bà L., hai mẹ con bà M. cũng đang trông nom tám đứa trẻ ở độ tuổi "bú sữa bình" hoặc "đi chập chững".

Nằm xa trung tâm TP Biên Hòa nhưng trong những con hẻm ở gần Công ty Pou Chen Việt Nam (xã Hóa An) có rất nhiều người nhận giữ trẻ. Căn nhà nhỏ của chị V. là nơi ở của 14 đứa con nít.

Gần đấy, bà Năm H. đang giữ năm đứa trẻ. Nằm sau Trường tiểu học Hóa An, nhiều phòng trọ và những căn nhà nhỏ cũng biến thành nơi giữ trẻ. Nổi tiếng ở khu này là một bà lão đã ngoài 60 tuổi nhưng một mình trông đến tám đứa trẻ, tất cả đều dưới 1 tuổi.

Khác với những khu vực khác, tại phường Trảng Dài, những tấm biển quảng cáo treo khắp nơi. Thế nhưng khi vào hỏi thì tất cả đều từ chối chỉ vì một lý do: đông quá rồi, không nhận nữa.

Tận dụng mọi không gian

Tất cả các nơi giữ trẻ không phép ở Biên Hòa hầu như không có nơi nào mà cơ sở vật chất đúng nghĩa là nơi giữ trẻ. Các căn phòng, hành lang đều được tận dụng tối đa để làm nơi sinh hoạt của trẻ.

Tại nhà bà L. ở phường Trung Dũng, 12 đứa nhỏ được "nhốt" trong một không gian chừng 8m2. Nơi vui chơi của các cháu là một khoảng trống trước cửa bếp và nhà tắm của gia đình bà. Nơi vui chơi cũng là nơi ăn, là nơi tiểu tiện của các cháu.

Một căn nhà khác nằm gần Trường tiểu học Hóa An vốn là một phòng trọ cũng được biến thành nơi giữ trẻ. Trong căn phòng chừng 9m2 luôn ngổn ngang đồ chơi trẻ con, võng ngủ, tã lót... Tám đứa trẻ mới một năm tuổi ăn và ngủ trong một khoảng trống "rất khiêm tốn".

Những nơi "giam giữ" trẻ không phép khác ở phường Tân Phong, Trảng Dài, Trung Dũng cũng chẳng khác gì. Hầu hết là phòng khách, hè nhà được bao bọc xung quanh bằng những rào chắn gỗ hoặc hàng rào sắt cao vượt đầu người. Trẻ đến đây chỉ được chủ nhà giữ không cho ra ngoài đường, rồi cho ăn và ngủ mà thôi.

Chị Hạnh, công nhân Công ty Pou Chen Việt Nam, nói: "Đành phải gửi con như thế này thôi, chứ biết làm sao được. Hai vợ chồng đi làm cả ngày. Gửi con cũng đắn đo lắm, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, lựa chỗ quen mới dám gửi".

Anh Huynh - công nhân Công ty bêtông Trà My, vừa đưa con đến gửi nhà bà Th. - chia sẻ: "Hai vợ chồng đều là công nhân. Mình đành phải gửi con như thế này chứ không đủ tiền đưa đi nhà trẻ. Mà mới 1 tuổi thì nhà trẻ nào nhận".

Theo Quang Phương - Bùi Trang
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.