Nhóm cố vấn rơi vào thế bị động vì ông Biden phát biểu ngoài kịch bản

TPO - Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rõ ràng hôm 23/5 rằng ông sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ đảo Đài Loan (Trung Quốc) nếu Trung Quốc đại lục tấn công, đây không phải lần đầu tiên vấn đề nhạy cảm này khiến nhóm cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống rơi vào thế bị động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Kishida Fumio trong chuyến thăm Tokyo ngày 24/5. (Ảnh: Japan Times)

Điều tương tự xảy ra vào năm 2019, khi Tổng thống Donald Trump thời điểm đó phát biểu tại cuộc họp báo ở dinh thự Akasana rằng “bản thân ông không thấy phiền” vì các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe chủ nhà đứng chỉ cách vài bước chân.

Phát biểu của hai nhà lãnh đạo đều khiến nhóm cố vấn an ninh quốc gia và quan chức ngoại giao ngồi gần đó ngỡ ngàng, rồi sau đó họ phải nỗ lực giải thích với dư luận.

Chuyến thăm Đông Á của ông Biden diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang phủ bóng. Phát biểu trên cho thấy những bước đi đôi khi rất kịch tính mà nhà lãnh đạo Mỹ sẵn sàng chấp nhận để thể hiện với thế giới rằng vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ là lâu dài, chứ không phải chỉ trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Giới quan sát cho rằng, việc ông Biden đưa ra phát biểu quyết liệt hơn quan điểm của Chính phủ Mỹ cho thấy mong muốn xoá bỏ ký ức dai dẳng mà chính quyền Trump tạo ra, đẩy con lắc ra xa để các đồng minh không còn nghi ngờ Washington, dù nỗ lực giải thích của nhóm trợ lý sau đó càng khiến tình hình trở nên mờ đục.

Đây không phải lần đầu tiên ông Biden đưa ra quan điểm có vẻ đảo ngược chính sách của Mỹ. Lần trước, ông vấp phải nhiều chỉ trích khi phát biểu trong chuyến thăm Ba Lan rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thể tiếp tục cầm quyền”.

Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Biden có phát biểu mạnh bạo về Đài Loan (Trung Quốc), mà là lần thứ ba ông khiến cấp dưới phải cố xác nhận rằng không phải Mỹ thay đổi đột ngột chính sách.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng trong phát biểu của ông Biden là môi trường quốc tế đã thay đổi: Xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Khi ông Biden thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này, rõ ràng tính toán về Trung Quốc đã thay đổi theo hướng có thể xảy ra chiến tranh.

“Ý tưởng có thể giành lấy Đài Loan bằng vũ lực, chỉ bằng vũ lực, là không phù hợp. Nó sẽ làm mất trật tự toàn bộ khu vực và dẫn đến tình hình tương tự như ở Ukraine hiện nay. Và vì vậy, nó sẽ là gánh nặng lớn hơn”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio.

Đó là quan điểm mà nhiều tổng thống Mỹ từng bị chỉ trích trước đây, trong đó có cựu tổng thống George W. Bush. Ông Bush bị ông Biden khi còn là thượng nghị sĩ chỉ trích vì sử dụng ngôn ngữ hiếu chiến trong cuộc trả lời vào tháng 5/2001, rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) “bằng bất kỳ giá nào”, kể cả huy động toàn bộ quân đội Mỹ, nếu Bắc Kinh tấn công quân sự vào hòn đảo.

“Việc ông ấy không chú ý đến chi tiết đã gây tổn thất cho uy tín của Mỹ với các đồng minh và gây hiểu nhầm trên khắp Vành đai Thái Bình Dương. Lời nói cần được chú ý”, ông Biden viết trong bài đăng trên báo Washington Post hồi đó.

Chuyến thăm châu Á của ông Biden lần này có vẻ được thiết kế để gửi đi thông điệp hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.

Ở Seoul, ông Biden và Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định hai bên sẽ xem xét việc mở rộng tập trận chung, điều mà ông Trump từ bỏ vì cho là quá tốn kém.

Khi được hỏi liệu có gặp ông Kim Jong Un không, ông Biden nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên cần “chân thành và nghiêm túc”, điều mà ông Trump không đòi hỏi trong 3 lần gặp ông Kim.

Tại Tokyo, ông Biden cho biết sẽ tính chuyện hạ bớt thuế đối với hàng hoá Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng, cho thấy đây không phải cách làm ưa thích của ông dù vẫn còn nhiều tranh luận trong nội bộ chính quyền Mỹ.

Trước đây, ông Trump cũng khiến nhóm cố vấn rơi vào tình thế bị động, nhưng theo hướng khác: đứng về phía ông Putin chứ không phải các cơ quan tình báo Mỹ, hoặc bước qua đường phân định giữa Triều Tiên và Hàn Quốc để chụp ảnh với ông Kim.

Cả hai ông Biden và Trump đều khiến đội cố vấn phải vất vả giải thích, lần này là vì phát biểu khiến Bắc Kinh và Mátxcơva khó chịu. Một số lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ leo thang sau phát biểu về Đài Loan (Trung Quốc).

Theo CNN