Nhớ võ sĩ Bảo Truy Phong

0:00 / 0:00
0:00
Võ sĩ Bảo Truy Phong cùng vợ và gia đình, con cháu. Ảnh tư liệu
Võ sĩ Bảo Truy Phong cùng vợ và gia đình, con cháu. Ảnh tư liệu
TP - Giai đoạn Tổng khởi nghĩa năm 1945, do quá thiếu thốn vũ khí, nên Việt Minh và người dân làm súng, pháo giả. Vũ khí chủ yếu là dao giắt mo cau. Còn võ sĩ Bảo Truy Phong, người từng hạ võ sĩ La Fone vô địch nước Pháp thì dốc công rèn võ cho Việt Minh. Dù biết rằng, võ nghệ khó có thể đương đầu với súng đạn.

Qua thành Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi từng có một thành cổ gọi là Cẩm Thành hay thành Gấm, xây dựng từ năm 1807 thời nhà Nguyễn. Đến thời Pháp thuộc, đây là nơi bảo vệ bộ máy của chính quyền phong kiến như nhà Sứ của Pháp, nhà Tuần phủ, dinh Bảo Đại, nhà Án sát, trại lính khố đỏ, khố xanh, nhà lao… Các cửa Đông, Tây, Bắc được mở cửa vào ban ngày, còn cửa Nam sau này bị lấp. Gần đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, võ sĩ vô địch Đông Dương là Bảo Truy Phong cùng võ sư Quách Tạo càng thức trắng đêm để luyện võ, kiếm thuật cho Việt Minh tại cánh đồng Vàng, nằm cách không xa tường thành. Việc coi trọng võ để đánh Tây xuất phát một phần từ lý do thiếu vũ khí trầm trọng.

Ngày 14/8/1945, người dân từ các xã ở vùng Đông kéo qua thành Quảng Ngãi biểu tình giành chính quyền. Lúc đó thành Quảng Ngãi nằm dưới sự quản lý của quân Nhật. Người dân ở các xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hòa kéo lên thành và vào cửa Đông đang mở toang. Đoàn ở các địa phương bên Sơn Tịnh thì kéo sang và vào theo cửa Bắc. Tại cửa Bắc, tình hình ban đầu diễn ra căng thẳng, trên cửa là 2 lô cốt lố nhố lính Nhật đang chĩa súng trung liên thẳng vào đoàn người, nhưng sau đó quay mũi súng lên trời.

Nhớ võ sĩ Bảo Truy Phong ảnh 1

Thành Quảng Ngãi. Ảnh tư liệu của TS Nguyễn Đăng Vũ

Đoàn nông dân cầm cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm đi tuần hành vào thành Quảng Ngãi, cất tiếng hát ủng hộ Việt Minh và quân đồng minh. Một số nhân chứng tôi từng gặp kể lại rằng, thỉnh thoảng vài chiếc máy bay của quân đồng minh xuất hiện trên bầu trời gầm rú, đoàn người giơ tay lên trời vui mừng và la to: “Hoan hô quân đồng minh tới đuổi Nhật!”.

Võ sĩ Bảo Truy Phong là người đi đầu. Việc động viên tinh thần của quần chúng vào lúc đó cũng là một loại vũ khí. Ông Phong và nhiều người bắt nhịp: “Mùa thu như giục giã/Lòng trai tơ giục giã muốn ra đi/Thôi đi đi đời chẳng có ra gì/Nếu mãi sống quê nhà chật hẹp/Lòng trai rộng mở như mặt trời không có khép/Chí khí không sờn ta tiến lên bạn đời ơi…”.

Võ sĩ Bảo Truy Phong cùng đoàn người đi qua cổng thành. Khí giới của đoàn biểu tình phần lớn là dao ngắn giắt ngang thắt lưng. Những chiếc mo cau được biến thành vỏ để nhét các loại dao đeo hông. Ông Đoàn Minh Châu được kể lại là người khéo tay nhất, vì rèn được con dao găm đẹp như dao Nhật. Một số chiến sĩ Việt Minh trang bị vũ khí được ngụy trang đi lẫn vào đoàn người, họ không rời mắt khỏi toán lính Nhật đang ngồi trên cổng thành và sẵn sàng chiến đấu, nếu bọn lính nổ súng.

Thành Gấm là thành của tỉnh lỵ, nên xây dựng không quá kiên cố. Tường thành được xây dựng bằng đá ong, mặt thành dày. Trong số các công trình trên thì Nhà sứ của quan Pháp được xây dựng kiên cố nhất, bằng vật liệu xi măng, bê tông, có bố trí 2 lô cốt; còn dinh thự của quan lại Việt Nam vẫn thiết kế kiểu nhà gỗ.

Sau năm 1945, Việt Minh trưng dụng nhà Án sát làm nơi hội họp, đào tạo cán bộ. Tháng 2/1947, Việt Minh huy động người dân phá thành và từ đó đến nay, thành Gấm chỉ còn được nhắc qua ký ức rời rạc của thế hệ đi trước. Những cụ già được tôi phỏng vấn cách đây gần 10 năm cũng lần lượt qua đời và các cụ cũng có tâm nguyện, một ngày nào đó, thành Gấm sẽ được nhắc lại để con cháu đời sau biết được.

Trước khi về Quảng Ngãi tham gia huấn luyện võ cho Việt Minh, võ sĩ Bảo Truy Phong lưu lạc qua Cao Miên để hỗ trợ cho cộng đồng người Quảng Ngãi đang làm ăn sinh sống, chống lại lính mã kỵ ức hiếp giới phu xe kéo.

Vũ khí nông dân

Sau ngày Tổng khởi nghĩa ở Quảng Ngãi, những đoàn quân vũ trang sử dụng sức mạnh tinh thần là chủ yếu, vì vũ khí vô cùng thiếu thốn. Một tiểu đội 9 người nhưng đôi khi chỉ có 1 khẩu súng, còn lại là súng gỗ để dọa Pháp. Trước tình cảnh thiếu thốn đó, võ sĩ Bảo Truy Phong tiếp tục trở thành người dạy võ cho các đội quân. Năm 2010, lần cuối cùng tôi đến thăm ông Bảo Truy Phong. Người con gái hỏi cha đang nằm thiêm thiếp trên giường: “Cha, hồi tướng Nguyễn Chánh ở đội du kích Ba Tơ giao nhiệm vụ cho cha như thế nào?” (Trung tướng Nguyễn Chánh sau này là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam). Ông chỉ mấp máy môi và ánh mắt sáng lên.

Cụ Phan Đệ, một đội viên du kích Ba Tơ được tôi phỏng vấn cách đây 6 năm từng kể lại, sau Tổng khởi nghĩa năm 1947, đất nước non trẻ đang đứng giữa muôn vàn khó khăn thì giặc Pháp quay trở lại. Tại Quảng Ngãi, những người lính Việt Minh trong tình cảnh thiếu súng đạn nghiêm trọng.

Ông Phạm Thanh Biền, cán bộ lão thành từng kể, thời đó, phần lớn súng chỉ bắn phát một, mỗi khẩu súng có kẹp đạn 6 viên, 3 viên, bóp cò nổ “cắc” một phát thì lại tiếp tục kéo đạn lên nòng để bắn tiếp. Những đơn vị chủ lực mới được trang bị súng, còn các đơn vị địa phương chủ yếu trang bị gậy, gộc, gươm, giáo.

Con đường từ vùng biển Cổ Lũy lên thị xã Quảng Ngãi ngày ấy được Việt Minh nhận định rằng có khả năng Pháp sẽ tiếp tục đổ bộ. Vậy nên dọc theo con đường này đều biến thành chiến hào, vật cản đường tiến quân của Pháp. Nhưng, sự chênh lệch về quân đội, khí giới lúc đó thì có thể ví như lấy trứng chọi với thép, châu chấu đá xe. Đứng trước tình cảnh thiếu thốn đó, thanh niên càng lăn xả vào tập luyện võ để rèn luyện sức khỏe, có sức chiến đấu với lính Pháp. Võ sư Chín Sửu đã lên tận miền núi Ba Tơ để dạy võ cho Việt Minh.

Cụ Phan Đệ nhớ lại, các tiểu đội của Việt Minh thời ấy đều được trang bị súng, nhưng 9 người thì chỉ có 1-2 người là trang bị súng thu được của Pháp. Còn toàn bộ số còn lại chỉ được trang bị khẩu súng đẽo bằng gỗ và sơn đen, nhìn xa giống như súng thật. Súng giả cộng với việc phao tin cũng dọa được lính Pháp, làm cho chúng bớt hung hăng.

Trên các vị trí cao được Việt Minh bố trí súng lớn như sơn pháo. Nhưng toàn bộ là pháo bằng gỗ và được quét sơn đen, sau đó đậy lá ngụy trang như pháo thật để dọa quân Pháp. Và ở những nơi lính Pháp đang đồn trú, người dân vẫn thi nhau đồn ầm lên rằng, “súng Việt Minh rất to, bắn một phát là hàng chục lính Pháp ngã lăn ra chết”.

Năm 2010, lần cuối cùng tôi đến thăm ông Bảo Truy Phong. Người con gái hỏi cha đang nằm thiêm thiếp trên giường: “Cha, hồi tướng Nguyễn Chánh ở đội du kích Ba Tơ giao nhiệm vụ cho cha như thế nào?” (Trung tướng Nguyễn Chánh sau này là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam). Ông chỉ mấp máy môi và ánh mắt sáng lên.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.