Nhớ quan họ đồi Lim

Kỷ lục về số người hát và mặc trang phục quan họ vừa được lập ở Hội Lim. Ảnh: Ng.Q. Hưng
Kỷ lục về số người hát và mặc trang phục quan họ vừa được lập ở Hội Lim. Ảnh: Ng.Q. Hưng
TP - Mùa lễ hội cũng là mùa kỷ lục, nhất là kỷ lục “đông người dự nhất”. Nghe mà nhớ những ngày chưa xa…

> Hơn 2000 người xác lập kỷ lục tại Hội Lim

Kỷ lục về số người hát và mặc trang phục quan họ vừa được lập ở Hội Lim. Ảnh: Ng.Q. Hưng
Kỷ lục về số người hát và mặc trang phục quan họ vừa được lập ở Hội Lim. Ảnh: Ng.Q. Hưng.
 

Còn nhớ cách đây chục năm thôi, về dự hội Lim ở Bắc Ninh, anh em chúng tôi đều thích đi đêm hôm trước, lang thang trong các làng cổ, nghe liền anh liền chị hát trong những ngôi nhà lợp ngói. Những bài ca tự sự, trữ tình lời lẽ nhẹ nhàng, duyên dáng, kín đáo. Hát đối đáp được tổ chức khiêm nhường, mực thước. Đường sá ít hàng quán, chợ búa. Băng rôn khẩu hiệu không có.

Chính người địa phương giờ cũng giật mình khi nghe những câu đại loại: “Hội Lim năm nay có nhiều nét mới so với năm ngoái” (!). Một lễ hội truyền thống, sao phải gồng mình để cải tiến? Cải tiến vì ai?

Một nét mới của hội Lim năm Nhâm Thìn (nhưng không mới với các lễ hội khác): Lập kỷ lục nhiều người mặc trang phục quan họ truyền thống và cùng hát quan họ. Từ ngàn xưa tới nay người dân mặc áo the và hát quan họ đâu phải để thi thố. Không tỉnh thành nào cạnh tranh với nội dung “thi đấu” của Bắc Ninh, thì có cần phải xác lập kỷ lục?

Lễ hội Đền Thượng xuân Nhâm Thìn của tỉnh Lào Cai được tổ chức với tinh thần tiết kiệm mà vẫn kịp lập 6 kỷ lục! Trong đó có kỷ lục bình rượu cần to nhất (bình rượu nặng 325kg; cao 1,3m; đường kính 90cm). Lễ hội đón chào năm mới TPHCM và Lễ hội văn hóa ẩm thực các nước lần thứ 6 lập kỷ lục hội thi có nhiều món gỏi nhất Việt Nam: 80 món. Ban tổ chức trao 14 món huy chương vàng, 16 món đạt huy chương bạc, 20 món đạt huy chương đồng.

Festival hoa Đà Lạt 2012 cũng “ghi dấu ấn” với việc xác lập “tháp ly rượu vang kỷ lục” (dựng bằng 2012 ly rượu). Thông tin cũng cho biết một tập thư pháp thơ thiền, xác lập kỷ lục là độc bản lớn nhất Việt Nam, sẽ được trưng bày tại thiền viện Trúc Lâm Yên Tử trong tháng Giêng này (?).

Người ta xôn xao chuyện kỷ lục con rồng sứ trong Lễ hội hoa xuân Đà Nẵng 2012, dài 40 mét, tính cả đường uốn lượn là 57 mét.

Xu hướng du lịch hóa lễ hội đang làm các lễ hội trở thành một “mặt hàng tươi sống” thu hút du khách. Người ta tạo ra nhiều “điểm nhấn”. Các lễ hội bị cuốn vào dòng thác tạo các sự kiện to hơn, đông hơn, nhiều hơn, dài hơn…, làm lễ hội mất đi sự tự nhiên cũng như mục đích nhân văn, mất đi nét riêng mà chạy theo các kịch bản hút khách.

Tôi có nhiều người quen thân ở Bắc Ninh. Các cụ ở đây đều tự hào khi hội Lim được quan khách xa gần biết tới. Nhưng đằng sau sự ồn ào náo nhiệt, là mệt mỏi. Khách sạn nhà hàng mọc như nấm. Tệ nạn tràn lan. Khung cảnh xưa nếp sống cũ đều thay đổi chóng mặt theo guồng quay đón du khách.

Người Lim còn đó mà hồn Lim đâu rồi?

Theo các cụ, Hội Lim xưa của làng, của tổng, đơn giản chỉ là những buổi hát quan họ trên đồi cao, không có các lều trại, không có các cuộc thi thố và dĩ nhiên không nhằm tạo ra các kỷ lục. Sáng mờ sương còn chưa rõ mặt người, đất trời yên tĩnh, trên đồi Lim xanh biếc, từng nhóm quan họ đứng quây quần thân thiết, người ta nghe từ trên đồi Lim vọng xuống những tiếng hát cất lên nghe trong vắt lạ thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG