Nhớ Nhạc sĩ Phong Nhã - Người hàng xóm tầng trệt

NS Phong Nhã cùng tốp ca (Ảnh tư liệu)
NS Phong Nhã cùng tốp ca (Ảnh tư liệu)
TP - Một quá vãng thương mến bất chợt ập về. Một bậc cao niên về cõi ở tuổi 96 có lẽ cũng là sự thường? Nhưng với NS Phong Nhã, với bậc đàn anh Phong Nhã quý mến có một chi tiết mà tôi hiện vẫn day dứt.

Khu nhà tập thể 128 Hàng Trống thời điểm tôi nhập tịch vào năm 1977 có hàng chục hộ. Khu ấy có 2 tầng.  Tiếng là Khu tập thể Báo Tiền Phong nhưng nhà 128 Hàng Trống hỗn canh hỗn cư thêm người của vài ba Ban thuộc Trung ương Đoàn và Báo Thiếu niên Tiền Phong.  Tầng trệt, người miền ngoài thường gọi là gác dưới, gác một - nơi quần cư các hộ của Báo Tiền Phong: những họa sĩ Tôn Đức Lượng, các nhà báo Đinh Văn Duy, Cao Năm, Lê Thị Túy, Đỗ Văn Thoan (từng là trưởng ban Thanh niên nông thôn của nhà báo Bùi Ngọc Tấn, tức là nhà văn Bùi Ngọc Tấn sau này)... Bên cạnh là những hộ nhà báo Quản Tập – Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên và căn hộ con con mé trong nơi cư ngụ một bác thấp bé kính cận dày cộp có dáng thanh thoát, mau mắn. Ấy là nhạc sĩ Phong Nhã - Tổng Biên tập đầu tiên Báo Thiếu niên Tiền Phong.

Cánh nhà báo trẻ chúng tôi chen chúc trong căn phòng to trên tầng 2 làm hàng xóm áp tường với ông Nguyễn Thanh Dương - nguyên TBT Báo Tiền Phong. Sau này phòng ấy ngăn lại thành 10 ngăn cót ép từa tựa như cái ống. Chủ nhân một trong những ống ấy là nhà báo Dương Xuân Nam tức nhà thơ Dương Kỳ Anh và nhà văn Lê Minh Khuê... sau này.

Lại nói tiếp cái tình hình tầng trệt thuở bao cấp khốn khó ấy. Hàng chục căn hộ tầng 2 tầng trệt chỉ có 2 chỗ đi vệ sinh. Hằng bao nhiêu năm đã qua, đã chập chùng nửa thế kỷ rồi mà những hình ảnh ám ảnh vào những sáng sớm tinh mơ cứ mồn một như vừa bữa qua vậy. Mờ mờ nhân ảnh những hình người xếp hàng đợi trước hai cánh cửa luôn im ỉm đóng. 

Chao ôi, chả cần chào hỏi cũng đã rành, cũng đã mồn một những dáng hình người khoan thai bệ vệ của những bậc viết, những họa sĩ cao niên. Chẳng thể nhòa thể lẫn cái dáng mau mắn nếu không mũ nồi đội hờ thì là bồng bềnh lọn tóc muối tiêu của nhạc sĩ Phong Nhã kiêm động thái quen thuộc là ông luôn ướm trong cổ một giai điệu khúc thức gì đấy vừa mới ấp ủ thai nghén hồi đêm.

Đắng nhất là động thái chen ngang không thèm xếp hàng của vài thằng cu ranh ma. Ấy là người trước xong việc vừa dội nước thì chúng đã tót ngay vào xí chỗ mặc cho người đến lượt cau có la mắng. Nhưng những lần bị cướp chỗ trắng trợn như thế tôi thấy NS Phong Nhã bao giờ cũng chỉ hừm hựm chất giọng trầm trầm cố hữu, chẳng rõ là NS bực mình hay luyện, thử tiếp giai điệu đang hoài thai nào đó! Sau này có đọc đâu đó những viết lách này khác về cái thời bao cấp có người dùng cụm từ là tội ác là băng hoại nhân cách này khác gẫm cho cùng cũng thấy hơi bị có lý?

Lại những bồi hồi nhung nhớ những ngày mất điện lân từ chiều sang đêm.  May phúc mà mặt tiền căn 128 Hàng Trống lại trổ, ngó sang hồ Trả Gươm. Thế là người lớn trẻ con túa ra bờ hồ hóng gió. Cụ họa sĩ Tôn Đức Lượng tuy may ô quần cộc nhưng cụ có dáng ngự khéo và sang trên chiếc ghế con. Bên cạnh là cái dáng gù gù trên ghế xếp bất di bất dịch của nhà báo Đỗ Văn Thoan. Rồi ông Phó tổng biên tập Báo Thiếu niên đang rủ rỉ gì đó với NS Phong Nhã. NS Phong Nhã không bao giờ dùng ghế.

Ông bệt trên bờ cỏ hay gờ xi măng tây phê phẩy chiếc quạt nan. Lần ấy cánh trẻ chúng tôi, những Minh Hỗ, Diệp Quang Hưởng, Nguyễn Văn Minh... (hai anh Hưởng, Minh đã mất) sà ngay cạnh NS Phong Nhã. Chỉ thoáng chốc thôi mà phát lộ một cán bộ Đoàn, cán bộ Đội Phong Nhã đi nhiều biết lắm. Từ lâu hình như không phải có quy ước mà quen lệ, lứa cán bộ trẻ TƯ Đoàn thường gọi lớp cán bộ cao niên hay lớp trước là anh xưng em thân mật chứ chẳng có cái ý gần Chùa kêu Bụt bằng anh đâu! NS Phong Nhã cũng không ngoại lệ.

Anh Phong Nhã vanh vách về khung cảnh tập tục thức quê của mấy thằng chúng tôi mà anh từng có dịp qua hồi trước khi công tác. Tôi còn nhớ, anh có hỏi tôi có dây mơ rễ má gì với họ Trịnh vùng Duy Tiên Hà Nam của anh không? Mãi khi ấy tôi mới biết vùng quê anh có hai vị cha cố họ Trịnh mà hai vị ấy thăng đến chức Hồng Y là Trịnh Văn Căn và Trịnh Như Khuê.

Và anh là chỗ quen biết với nhiều vị cha cố mặc dù nhà anh không theo đạo. Thì ra thời điểm cướp chính quyền và thời gian sau cách mạng tháng Tám, NS Phong Nhã đã hăng hái nhập cuộc trong nhiều hình thức hoạt động phong phú của tổ chức Tự Vệ Cứu Quốc nên có dịp được tiếp xúc quen biết với nhiều vị linh mục khi ấy nhiều người rất mực yêu nước.

Hiếm hoi hình như có một lần, Trung thu năm ấy Khu TT 128 Hàng Trống có tổ chức cho các cháu trong khu buổi phá cỗ Trung Thu. Thằng cu nhà tôi (năm nay đã bốn mấy) cùng với trật lứa các con của những nhà báo Kim Long, Đào Quản... đã vinh dự được tham gia. Chẳng hiểu trí nhớ bấy bớt thời ấy chúng có còn lưu giữ hình ảnh gì của buổi phá cỗ hôm ấy không, và nữa, đã không xảy ra chuyện Bụt Chùa nhà không thiêng!

Bởi khi ấy nhiều đứa trong Khu TT mới biết mới bổ chửng ra bác Phong Nhã mà chúng không lạ lại là cha đẻ của những Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng... Bác chúng em người thanh thanh râu hơi dài. Rồi cùng nhau ta đi lên theo bước Đoàn Thanh niên đi lên, phấn đấu xứng đáng cháu yêu Bác Hồ vv...

Những đứa biết rồi thì tường thêm hoàn cảnh ra đời của những bài hát ấy qua chất giọng sôi nổi khúc chiết của bác, của chú Phong Nhã hôm ấy hình như oai hơn với sơ mi trắng nổi bật chiếc khăn quàng thắm khác hẳn với vẻ so xúi tất bật cố hữu ngày thường chúng vẫn ra chạm vào đụng?

Ngay lứa chúng tôi, đám phụ huynh chúng nó cũng đã ngạc nhiên tới khi ấy mới biết ngoài những Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (1946), Tình đồng đội (1950), năm 1950, nhạc sĩ Phong Nhã đã sáng tác bài Cùng nhau ta đi lên và đã được chọn làm bài hát chính thức của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh với tên gọi quen thuộc Đội ca. Ngoài ra còn Bác sống đời đời (1969), Cảm ơn bầu bạn bốn phương (1975), Vì đàn em thân yêu (1976), Thăm trường cũ (1978)...  NS Phong Nhã có hơn 200 ca khúc khác viết về thiếu niên nhi đồng. Bởi ngày thường gặp nhau đấy nhưng cơ quan công tác khác nhau và có khi nào được anh bộc bạch ra như cái buổi phá cỗ Trung thu năm ấy? Hóa ra hoàn cảnh ra đời của ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng là ngày ấy Phong Nhã không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là anh quản ca kiêm phụ trách nghi thức đội! Anh quản ca Phong Nhã được giao nhiệm vụ hướng dẫn các em thiếu nhi tham gia cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình và nghe Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhớ Nhạc sĩ Phong Nhã - Người hàng xóm tầng trệt ảnh 1 NS Phong Nhã (Ảnh tư liệu)
 Chất giọng nhạc sĩ Phong Nhã như rung lên như lạc đi khi kể lại động thái Bác Hồ trên lễ đài nhoài người vẫy các em thiếu nhi bằng cả hai tay. Hình ảnh ấy đã để lại trong tâm trí anh quản ca Phong Nhã một tình cảm đặc biệt. Để rồi 3 ngày sau đó, ngày 5/9/1945,  sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh vào ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Rồi anh phụ trách nghi thức đội Nguyễn Văn Tường (tức Phong Nhã sau này) bất ngờ được mời tới gặp Bác cùng với một số đại biểu khác. Và anh nhớ như in câu dặn dò của Người buổi gặp hôm ấy khiến mọi người ngạc nhiên, gieo cho mọi người ấn tượng bất ngờ “Các chú phải nhớ để ý, quan tâm tới sức khỏe thiếu nhi, đặc biệt là các em nhỏ đánh giày, bán kẹo lạc, kẹo bột, trẻ em lang thang”. Ngay sau buổi gặp đó, rất tự nhiên chỉ trong một buổi giai điệu ca từ của ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng... đã nhanh chóng nối nhau mà bật ra!

 Rồi tan buổi phá cỗ Trung thu ấy, NS Phong Nhã có nán lại theo yêu cầu của mấy nhà báo trong nhà 128 Hàng Trống để nèo ông kể lại sự kiện mà hồi nãy ông chỉ mới kể sơ sơ. Đó là cái Tết Trung thu năm thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 15 tháng 8 Bính Tuất, nhằm vào ngày dương lịch 10/9/1946. Đây là Tết Trung thu chống xâm lăng được tổ chức ngay bên hồ Hoàn Kiếm năm ấy mà NS cho là độc đáo lắm. NS Phong Nhã trong vai trò phụ trách Đội thiếu nhi đã tiến hành cuộc tập trận giả hào hứng sinh động được dân Thủ đô hoan nghênh nhiệt liệt trong âm hưởng hào hùng của đội quân nhạc do ông quản kèn Đinh Ngọc Liên chỉ huy. NS Phong Nhã khẳng định đó là cuộc tập dượt bài bản truyền cảm hứng để ít ngày sau người Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến Toàn quốc ngày 19/12/1946 lịch sử.

 Rồi lộ trình mưu sinh đã khiến tôi rời xa Khu nhà tập thể 128 Hàng Trống. Và gia đình NS Phong Nhã cũng đã chuyển nơi ở mới. Rồi cũng lâu lâu đã không có dịp gặp lại... Và trưa nay đang lang thang ở xứ Tuy Hòa Phú Yên, anh con trai điện báo tin Bố biết tin bác Phong Nhã mất sáng nay chưa?

Một quá vãng thương mến bất chợt ập về. Một bậc cao niên về cõi ở tuổi 96 có lẽ cũng là sự thường? Nhưng với NS Phong Nhã, với bậc đàn anh Phong Nhã quý mến có một chi tiết mà tôi hiện vẫn day dứt. Ấy là bao năm nay, mình đã bẵng, đã khuấy đi hồi còn ở Khu TT Hàng Trống và cả sau này nữa là đã không có dịp đã không kịp hỏi NS Phong Nhã, rằng cái tên khai sinh Nguyễn Văn Thường đã trở thành Phong Nhã như thế nào và từ thời điểm nào vậy? Cái tên Phong Nhã đã theo anh đã làm nên thương hiệu nhạc sĩ  tài danh. Một chút ân hận là đã bỏ đi cơ hội ấy mặc dù chú Vân, con trai NS một lần đã mau mắn cho tôi hay là cái câu anh hỏi, ông già em có lần đã kể với ai đó...

Tuy Hòa đêm 28-3- 2020

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.