Những năm trước đây, nói tới lợi nhuận ở Chelsea là một điều gì đó thật xa xỉ. Thậm chí đội bóng này còn bị gán cho mác “dùng tiền mua danh hiệu”. Quả vậy, kể từ năm 2003, tức thời điểm Roman Abramovich mua lại “The Blues”, tỷ phú người Nga này đã rót vào CLB không dưới 1 tỷ bảng. Tất cả nhằm để mua sắm cầu thủ và trả lương.
Năm 2012, khi Chelsea công bố mức lợi nhuận khiêm tốn 1,4 triệu bảng, nhiều đội bóng ở Premier League đã cười mỉa. Nó quá ít nếu đặt cạnh những M.U, Arsenal hay thậm chí cả Tottenham. Nhưng với những người đứng đầu đội bóng thành London, đó lại là một tín hiệu đáng mừng. Lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, họ làm ăn có lãi.
Kể từ thời điểm năm 2012, với chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu của Abramovich, rồi kế hoạch “tự nuôi sống mình” của GĐĐH Peter Kenyon và cả việc bổ nhiệm Jose Mourinho làm HLV trưởng, mọi thứ càng diễn ra lạc quan. Ngày hôm qua, Chelsea đã công bố mức lợi nhuận 20 triệu bảng trong năm tài chính 2013/2014 và đây chính là mức kỷ lục đối với họ.
Theo báo cáo, sở dĩ có được lợi nhuận kể trên là do các khoản thu từ tiền bản quyền truyền hình, các hoạt động thương mại và đặc biệt phải kể tới khoản tiền bán Juan Mata và David Luiz. Chỉ riêng tiền bán hai cầu thủ này đã mang về cho Chelsea tổng cộng 87,1 triệu bảng. Rõ ràng việc mua bán cầu thủ một cách khôn ngoan đã mang lại nguồn thu không nhỏ.
Tổng mức doanh thu của Chelsea bây giờ là 320 triệu bảng, chưa thể sánh bằng M.U, Real Madrid, Barcelona hay Bayern Munich, thế nhưng điều mà Abramovich hài lòng chính là sự ổn định và tịnh tiến. Áp lực từ Luật công bằng tài chính không còn là mối lo, các hoạt động kinh doanh đã bắt đầu vào guồng, ngay cả công tác đào tạo trẻ ở “The Blues” bây giờ cũng khiến các đối thủ phải thèm thuồng.
Mục tiêu của Mourinho và Abramovich là biến Chelsea trở thành thế lực đứng đầu châu Âu cả về chuyên môn lẫn tài chính, và nó không phải điều huyễn hoặc.