Học tập và làm theo lời Bác

Nhớ lời Bác, nỗ lực vươn lên mỗi ngày

Nhớ lời Bác, nỗ lực vươn lên mỗi ngày
TP - Giàu khát khao, hoài bão, luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thế hệ trẻ ngày nay đang phấn đấu trở thành lớp người “vừa hồng”, “vừa chuyên” như Bác Hồ hằng mong đợi.

Vươn lên để giúp đỡ mọi người

Nguyễn Thị Hồng Cúc, sinh viên ĐH Xây dựng Miền Tây xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, ba là thương binh hạng 2/4. Cúc có 7 anh chị em. Cả gia đình chỉ có mỗi Cúc theo học đến đại học.

Nhớ lời Bác, nỗ lực vươn lên mỗi ngày ảnh 1 Nguyễn Thị Hồng Cúc
“Bản thân tôi đến trường không được sự ủng hộ của ba mẹ. Sau khi thi trượt ngành Công an, ba mẹ muốn tôi đi làm công nhân 1 năm kiếm tiền rồi năm sau học tiếp. Nhưng tôi mong muốn được tiếp tục con đường học tập, sợ khi đã lao đầu vào cuộc sống thì không thể quay lại ghế nhà trường được nữa”, Cúc kể.

Cúc quyết định nộp hồ sơ vào ĐH Xây dựng Miền Tây và tự đi làm đủ thứ nghề để có thể tự nuôi mình ăn học. “Tôi nhớ như in ngày đầu tiên nhập học vào trường ĐH Xây dựng miền Tây, một mình từ dưới quê lên Vĩnh Long cách xa hơn 100 km, trong người chỉ vỏn vẹn 700.000 đồng”.

Cúc làm đủ nghề từ chạy quán cơm, quán cà phê, rửa chén, lau nhà,…để có tiền trang trải việc học tập. “Dù có thức khuya dậy sớm chịu cực đến mấy em cũng nỗ lực và quyết tâm vượt qua. Em chỉ có mong muốn là được đi học và để ba mẹ em thấy được em đã chọn đúng”, Cúc bộc bạch. Đặc biệt, mọi hoạt động Đoàn, Hội của trường, các hội thi Cúc đều tham gia vừa để học hỏi kiến thức “và quan trọng là chiến thắng để có tiền thưởng gửi về quê cho mẹ em trị bệnh khớp”.

Kết quả của cả hành trình nỗ lực không biết mệt mỏi của nữ sinh ĐH Xây dựng miền Tây là kết quả học tập luôn đứng đầu lớp. Năm 2018, Hồng Cúc xuất sắc đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Hồng Cúc là một nữ sinh năng động, hiện đang là Ủy viên BCH T.Ư Hội SVVN, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Xây dựng miền Tây. “Ngay từ khi được tiếp xúc với phong trào của Đoàn - Hội, tôi thấy đây là tổ chức rất có ý nghĩa, có vai trò to lớn trong sự phát triển của thanh niên. Nhờ tham gia hoạt động, tôi ngày càng trở nên mạnh dạn, có thêm nhiều kỹ năng giao tiếp ứng xử, đặc biệt có nhiều bạn mới đã giúp em rũ bỏ cái tự ti nhà nghèo của mình”, Hồng Cúc chia sẻ.

Hiện Cúc đã tự mình có thể chu cấp cho bản thân và có dư gửi về cho gia đình. Vì vậy, Cúc cũng hạn chế đi làm, tập trung học tập và tham gia hoạt động tình nguyện: Hiến máu nhân đạo, Mùa hè xanh,... Hè nào Cúc cũng tham gia các chuyến tình nguyện kéo dài cả tháng trời xây nhà tình bạn, làm đường, dạy chữ cho trẻ… “Tôi muốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa giống như mọi người đã giúp tôi trước đây”, Cúc nói.

Học để khẳng định mình

Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TPHCM cũng là một tấm gương sáng về nỗ lực vượt qua những khó khăn để khẳng định bản thân. Gia đình Bình sống trong căn nhà tình nghĩa. Từ nhỏ Bình vừa đi học vừa đi chăn bò, làm các việc phụ ba mẹ nhưng bù lại cậu học rất giỏi.

“Tôi xác định chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp gia đình mình thoát nghèo. Cái nghèo vừa là thách thức, nhưng cũng là động lực để tôi không ngừng học tập, trau dồi và tích lũy tri thức, kinh nghiệm với phương châm mà tôi học được, đó là “học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình”, Bình chia sẻ.

Năm lớp 12, Bình đạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Văn, được tuyển thẳng vào Học viện Hành chính Quốc gia. Với thành tích học tập xuất sắc, hoạt động Đoàn sôi nổi suốt những năm học cấp 3, Lê Thanh Bình vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tuổi 18. Bình trở thành đảng viên trẻ đầu tiên của huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) được kết nạp Đảng khi còn là học sinh. “Đó như một bước ngoặt giúp tôi dấn thân và cống hiến nhiều hơn. Tôi có thêm nhiều cơ hội chia sẻ và truyền cảm hứng với rất nhiều các bạn đoàn viên, thanh niên và các em học sinh qua các buổi nói chuyện, giao lưu để cùng lan tỏa tinh thần và ý nghĩa của việc học tập và làm theo lời Bác”, Bình chia sẻ.

Ở môi trường đại học, cậu học trò nghèo Lê Thanh Bình tiếp tục nỗ lực không ngừng và khẳng định được vị trí bản thân. Ngay từ năm thứ nhất, vượt qua những ứng cử là sinh viên năm thứ 3, 4, Bình xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Đỉnh cao sinh viên Hành chính và người cán bộ công chức tương lai”. Cũng từ năm nhất cậu đạt điểm tổng kết 8,43 điểm, cao nhất toàn khóa. Mặc dù tham gia tích cực, đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trong công tác Đoàn, Hội, nhưng Bình luôn giữ vững thành tích học tập xuất sắc.

“Được rèn luyện trong môi trường Đoàn - Hội đã giúp bản thân tôi được vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức tác phong, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào truyền thống lịch sử vẻ vang, hoàn thiện chính mình”, Bình chia sẻ. Năm 2016, Bình là 1 trong 445 đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc lần IV do T.Ư Đoàn tổ chức.

Thanh Bình cho rằng, những thành công đã gặt hái được là kết quả của một hành trình nỗ lực, không “đầu hàng” mà luôn mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và cố gắng làm tốt nhất có thể mọi việc.

Trò chuyện với Bình và Cúc, cả hai vẫn nhớ lời Bác từng nói khi Bác tròn 21 tuổi trong cuộc nói chuyện với người bạn trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước: “Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì lương thiện mà sống và để đi”. Cả hai đều học theo đức tính cần cù, siêng năng của Bác và coi đó là động lực để vươn lên mỗi ngày.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.