Một bạn đọc

Nhớ con sông quê hương...

Nhớ con sông quê hương...
TPO - Tôi rất đồng cảm với người viết về vị đắng trong bột ngọt Vedan. Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận hôm nay, chắc sẽ còn nhiều dòng sông Thị Vải khác sẽ có nguy cơ biến thành… dòng sông chết.
Nhớ con sông quê hương... ảnh 1
Bọt nổi trắng xóa trên mặt sông Thị Vải. (Ảnh chụp ngày 26/3/2008) - Ảnh: Tuổi trẻ

Chưa từng đến sông Thị Vải, nhưng tôi đoán, đây cũng là dòng sông kỷ niệm đẹp của nhiều người.

Ai đã từng tắm trên sông quê hương sẽ nhớ mãi cảm giác bơi giữa dòng nước trong xanh, lặn xuống một chút nhìn thấy cả đáy sông và những bụi tóc tiên trải dài theo dòng nước. Đám trẻ chúng tôi gọi đó là tóc ma.

Cái thuở không có thuốc trừ sâu DDT hay phân hóa học, lội ruộng rất sợ đỉa. Khi mùa nước lũ qua đi, cá tôm đầy đồng. Vào mùa chim di cư, hàng vạn con xà cánh xuống đồng lúa. Chiều chiều, trên ngọn tre, những đàn cò trắng bay về tổ. Đêm thanh vắng nghe tiếng vạc bay đi kiếm ăn.

Tiếng mẹ ru à ơi thuở nào trên võng ngoài hiên "Con cò mà đi ăn đêm, đâu phải cành mềm lộn cổ xuống ao". Miền quê thấm đẫm tình người, xa rồi mới thấy da diết làm sao. Không phải ngẫu nhiên, bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh đã đi vào trái tim của hàng triệu người Việt Nam.

Giờ đây, bạn thử quay về bến xưa để tìm lại kỷ niệm. Dòng sông thuở ấu thơ có thể vẫn còn đó nhưng màu xanh đã biến mất. Ít còn thấy người ra sông giặt giũ hay lũ trẻ vui đùa trong dòng nước.

Đất nước đi lên, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Xóa nghèo và đôi khi xóa luôn cả những giá trị nhân văn của những miền đất. Đâu đó là những dòng sông ô nhiễm, miền quê không có tiếng chim hót.

Vì miếng cơm manh áo hôm nay, đôi khi người ta phải phá rừng để sống. Trên ruộng đồng, cá tôm không còn, đỉa cũng chết. Khói lam chiều làng quê thiếu vắng những cánh cò bay về tổ.

Nhớ con sông quê hương... ảnh 2
Cá chết hàng loạt tại sông Dinh (BR-VT) vì ô nhiễm nước thải. Ảnh: Phạm Hùng

Nhìn qua cũng biết chúng ta đang hủy hoại môi trường sống của chính mình. Sống trong ô nhiễm, thế hệ tương lai dễ bị di chứng của bệnh tật và giống nòi Lạc Hồng có thể bị biến đổi gien vì hóa chất.

Bên những tiếng reo hò ngoài sân golf của những đại gia khi bắn trúng lỗ là người dân mất ruộng thầm lau nước mắt hay hơi thở khò khè của bọn trẻ ngửi thuốc sâu phun cỏ. Cái giá của sự phát triển và hoà nhập đôi khi rất lớn.

Để có những nhà cao tầng người ta đã biến hồ thành ao, bê tông hóa những lá phổi tự nhiên trong thành phố. Những cánh rừng xơ xác điêu tàn vì chặt gỗ làm nhà. Mọc lên những nhà máy, ống khói cao ngất trời và hàng vạn mét khối nước ô nhiễm thải thẳng ra sông.

Đừng vì thấy đầu tư nước ngoài đến với quê hương mà vội vui. Có dự án đem lại công ăn việc làm cho vài nghìn người nhưng có thể mang theo hàng chục vạn tấn chất độc ô nhiễm từ quốc gia khác để đổ vào nước ta. Thu hút đầu tư không có chọn lọc về ảnh hưởng môi trường sẽ là tai họa cho tương lai. Không quản lý chặt, Việt Nam dễ thành bãi rác thải công nghiệp cho các nước phát triển.

Khi duyệt các công trình, câu hỏi đầu tiên là dự án này ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Mang lại bao nhiêu tiền và số người có công ăn việc làm nên là những câu hỏi cuối cùng.

Báo cáo thành tích về GDP hàng năm hay những con số đô la thu nhập, xin thêm một con số về những con cò trắng. Loài chim này rất tinh khôn, nếu "ngửi" thấy ô nhiễm là chúng biến mất.

Đưa đất nước đi lên bằng người, xin các vị bảo vệ giùm những dòng sông. Miền quê yêu dấu không còn những con sông "xanh biếc những hàng tre" hay tiếng chim chiều chiều nghĩa là môi trường đã bị hủy hoại.

Hoa Lư
Từ Washington DC

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

PHƯƠNG LAN

Tôi đọc bài báo tôi cảm thấy thật tội cho thế hệ con cháu chúng ta sẽ chịu những ảnh hưởng xấu của nguồn nước ngầm. Mỗi khi đóc báo thấy ở tỉnh này, tỉnh kia cá chết hàng loạt, sông bị ô nhiễm nghiêm trọng là tôi cảm thấy bất an khi uống ly nước đamg cầm trong tay.

Chúng ta đã không tính toán kỹ và đi vào vết xe của những nước phát triển đi trước. Bởi vì sao, những nước phát triển họ đâu mở rộng hay phát triển những ngành hoá chất như sản xuất bột ngọt vì dùng nhiều hoá chất, hay những ngành dày da cũng thế từ những tấm da động vật phải dùng hoạt chất độc hại lắm để tẩy da mới làm ra được sản phẩm thuộc da.

Chúng ta chỉ nghĩ tới mỗi việc là họ đầu tư vào Việt Nam chỉ giải quyết được vấn đề việc làm, lao động nhưng phải trả giá rất đắt về môi trường.

Tôi thấy nên rút giấy phép đầu tư của công ty vedan không cho họ tiếp tục sản xuất nữa, họ hứa sẽ khắc phục vấn đề nước thải, nhưng liệu có tin được không vì họ đã làm người dân mất lòng tin, người dân bỏ tiền mua sản phẩm nhưng họ không đóng phí thải. Tôi đề nghị mọi người hãy tẩy chay bột ngọt Vedan.

Luong Van Lang

Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng. ...... Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu/ Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy/ Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy /Bầy chim non bơi lội trên sông...

Không biết Nhà thơ sẽ viết gì khi dòng sông của Nhà thơ cũng bị các khu công nghiệp coi nặng về lợi nhuận mà không cần nghĩ đến môi trường, nghĩ đến thế hệ mai sau !

Nhìn cảnh dòng sông bị ô nhiễm, tôi rất bất bình ! Lỗi ở đây không phải là chỉ có nhà máy Vedan mà còn có cả những bộ phận không nhỏ của các cán bộ ở những ban ngành trong địa phương đã để cho nhà máy hoạt động đổ nước thải hơn chục năm trời .

Quản lý mà chặt chẽ thì lấy đâu mà tham ô, trộm cắp, dối trá... Vậy tôi cùng tất cả bạn đọc kính đề nghị các cơ quan chức năng sử lý nghiêm minh để người dân ở hai bên bờ dòng sông Thị Vải nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung được yên lòng.

Nguyễn thanh Tùng

Ôi đọc bài báo mà sao tôi thấy xót xa quá !  Bây giờ không còn có cảnh trẻ con bơi ao bơi hồ như thế hệ trẻ của chúng tôi nữa (Nếu không muốn bị hắc lào ghẻ lở).

Chúng ta đang huỷ hoại môi trường sống của chính chúng ta hậu quả không lường. Sự "yếu kém" của các cơ quan chức năng và sự "Thông thoáng " trong các thủ tục dự án đầu tư sẽ là những kẽ hở con trâu chui lọt vào Việt nam.

Lò Thị Thương

Nỗi niềm của Tôi!

Là dòng sông thì tôi chỉ biết nó là dòng nước mênh mang, trong xanh, êm ả và gắn với mỗi con người ta một kỷ niệm. Nhưng giờ dòng sông Thị vải hay bất kỳ một dòng sông nào khác trên đất nước ta đã bị bẩn đục, là nơi gây nên bệnh tật cho người dân và những sinh linh sinh sống trong dòng sông quả thật là một niềm xót xa.

Tôi thiết nghĩ những người độc ác thì sẽ nhận lại sự trừng trị nghiêm minh . Tôi mong pháp luật sẽ trừng phạt những người đã gây nên hậu quả đó thật thích đáng....

Phạm Viết Tỵ

Từ trước đến nay gia đình tôi không bao giờ dùng Bột ngọt (thỉnh thoảng khi nhà có khách hoặc có đám tiệc tôi mới dùng một ít để có vị mà thôi). Đất nước Nhật Bản đã nghiên cứu ra Bột ngọt nhưng lại chính ở đất nước này người ta dùng bột ngọt lại ít nhất.

Dường như người Việt Nam mình hay dùng bột ngọt trong chế biến thức ăn. Tôi cho rằng người Việt Nam cần phải hạn chế dùng hoặc không dùng bột ngọt là tốt nhất của bất cứ của hãng nào chứ không nhất thiết là không dùng bột ngoạt của VEDAN.

Phát triển kinh tế đất nước là tất yếu, nhờ nguồn vốn nước ngoài là cần thiết, tuy nhiên chủ yếu bằng nội lực và phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá. Hãy cẩn thận với đầu tư nước ngoài?

Bên cạnh đó chúng ta phải mất đi bao nhiêu đất đai, bao nhiêu nguồn tài nguyên của quốc gia, bao nhiêu năng lượng và lao động Việt Nam lao động với đồng lương giá rẻ không đủ sống?

Bao nhiêu ô nhiễm môi trường mà chúng ta đang gánh và tương lai con cháu cúng ta phải chịu hậu quả. Đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập, nhưng chúng ta cần cẩn thận, biết từ chối những dự án ĐTNN không có lợi ích cho đất nước và dự án gây ô nhiễm môi trường.

Muốn phát triển đất nước hùng mạnh và bền vững không có cách nào khác là phải phát triển giáo dục (Bài học mà đất nước Singapo đã làm), đừng cứ chờ mong nhiều vào ĐTNN.

Đỗ Trường Sơn

Mặc dù rất hoan nghênh tinh thần tích cực điều tra và tìm ra sự thật việc "bức tử" Sông Thị Vải của Công ty Vedan Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau cả thập kỷ "người ta" mới tìm ra và xử lý thì hỡi ôi Sông Thị Vải còn đâu!

Trách nhiệm của môi trường Việt Nam thuộc về ai? bộ máy chính quyền Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai ỏ đâu? có phải chăng khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp Nước ngoài phải chăng chúng ta đã quá dễ dàng, chúng ta chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không lường hết được hậu quả đối với môi trường.

Liệu ngày mai có còn vài chục vụ giống như Vedan nữa hay không? hay đến lúc đó thì sự đã rồi.

PhamThaihop

Vedan là mẫu điển hình của các doanh nghiệp Đài Loan sang Việt Nam làm ăn theo kiểu xảo trá coi thường pháp luật Việt Nam. Lợi ích của Vedan mang lại là gì? Bóc lột công nhân với giá rẻ mạt, ép giá mua nguyên liệu của nông dân các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, huỷ hoại môi trường nước - nguồn sống của hàng vạn người dân trên lưu vực sông Thị vải.

Phá huỷ đường thuỷ quan trọng đến cảng Gò Dầu, đến nay không còn chiếc tàu nào dám chạy trên đoạn sông này do bị ô nhiễm axít ăn mòn thân Tàu.

Để việt Nam phát triển bền vững, cần phải đóng cửa Vedan ! Truy tố Vedan trước Pháp Luật để làm gương. Yêu cầu Công ty Vedan khắc phục hậu quả không chỉ mỗi việc tháo dỡ hệ thống xả thải ngầm mà còn phải xử lý ô nhiễm sông Thị Vải để nguồn nước đạt tiêu chuẩn loại B, lập đoàn kiểm tra ( có thể mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài thực hiện cho khách quan) để xác định mức độ thiệt hại môi trường để bắt buộc Vedan bồi thường toàn thiệt hại cho nhân dân bị ảnh hưởng trong suốt 14 năm.

Một bạn đọc

Người tiêu dùng hãy tẩy chay sản phẩm VEDAN

Vedan đã không tôn trọng quyền con người, coi thường mạng sống của cư dân sống dọc theo dòng sông Thị Vải, họ đã làm ô nghiễm môi trường một cách có tổ chức, hệ thống bằng những thủ đoạn tinh vi nhất như vậy chúng ta những người tiêu dùng đang bị Vedan đang cướp chính những đồng tiền chúng ta bỏ ra mua sản phẩm của Vedan với giá có xử lý nước thải mỗi năm là 5 (triệu/m3) x 20.000 (m3/ngày) x 30 (ngày) x 365 (ngày) x 14 (năm) = 15330 tỷ VND = 1 tỷ USD, đó là chưa kể kinh phí để xử lý nguồn tài nguyên bị ô nhiễm và đặc biệt là sức khoẻ của con người là vô giá.

Việc làm sai trái của Vedan sẽ bị xử lý theo pháp luật, tuy nhiên chúng ta những "thượng đế" của họ cũng phải có biện pháp ngăn chặn đó là: Đề nghị hiệp hội người tiêu dùng và chính những người tiêu dùng chúng ta hãy tẩy chay các sản phẩm của Vedan vì họ đã lừa dối chúng ta, để từ đó chúng ta cảnh báo tới tất cả các đơn vị khác nếu như vậy thì cũng phải gánh chịu hậu quả do chính bản thân họ gây ra.

Để tất cả các đơn vị kinh doanh phải tôn trọng nguyên tắc kinh doanh đúng như đảng, nhà nước, chính phủ ta đang hướng tới PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG là phát triển hài hoà giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội...Rất mong người tiêu dùng hưởng ứng TẨY CHAY SẢN PHẨM VEDAN.

Quỳnh Vân

Tôi không dùng bột ngọt Vedan nữa

Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả bài viết trên. Tôi không biết được rằng loại gia vị mà gia đình tôi dùng hàng ngày lại tàn nhẫn với Thị Vải đến thế. Từ nay trở đi nhà tôi sẽ tẩy chay Vedan.

Đỗ Vinh

Việc Công ty Vedan gian dối, phá hoại môi trường trên sông Thị Vải là việc làm nguy hiểm, bất chấp Pháp luật Việt Nam. Tôi thiết nghĩ, chúng ta nên tẩy chay sản phẩm do công ty này sản xuất, đó là cách đáp trả từ việc làm tệ hại này.

Và ở các nước phát triển, người ta cũng đã làm như vậy vì mục đích bảo vệ môi trường sống. Dùng Vedan có giúp cho bữa ăn ngon miệng đi chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi môi trường bị huỷ hoại.

Ai dám chắc rằng, công ty Vedan sẽ tôn trọng khách hàng bằng việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản phẩm của mình như đã đối xử với môi trường.

Một bạn đọc

Đã đến lúc nói không với VEDAN

Rõ ràng Công ty Vedan đã coi thường pháp luật Việt Nam. Vì lợi ích cho riêng mình, Vedan đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của người dân Việt. Không Vedan người dân vẫn sống, đất nước vẫn phát triển, thậm chí còn sống khỏe hơn...

Trong khi chờ đợi kết luận và hướng xử lý của các cơ quan chức năng, vì môi trường, vì cuộc sống của hàng triệu đồng bào ta ở hai bên bờ dòng sông Thị Vải, người dân Việt chúng ta không dùng sản phẩm Vedan nữa.

Nguyễn Thọ Hoà

Đồng tiền của những người nước ngoài đưa vào Việt Nam không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Ở quê tôi cũng có nhà máy giấy liên doanh với Đài Loan họ cũng thải trực tiếp ra sông hàng chục năm nay rồi.

Đấy là cái giá phải trả cho sự lạc hậu, nghèo khổ. Hi vọng qua những sự vụ việc trên các cơ quan chức năng của Việt Nam có ý thức hơn nữa với công việc nhân dân đã giao cho mình.

Hoàng

Trách nhiệm ở đâu ?

Đang học tập ở nước ngoài, thú thật tôi rất buồn mỗi khi đọc báo nước nhà với những vụ việc kiểu như của Vedan.

Đau xót thay, những công ty như Vedan thuê giá nhân công thì rẻ chỉ bằng 1/4-1/10 so với trong khu vực, hơn thế nữa họ còn thải thoải mái chất thải ra môi trường.

Nếu các nhà quản lý không biện pháp tích cực thì nước ta đang và đã trở thành nơi chứa chất thải của các nhà mày sản xuất của nước ngoài cũng như của trong nước, đều đó ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới môi trường, sức khỏe của dân ta, hậu qủa và thiệt hại kinh tế để khắc phục môi trường và sức khỏe là không thể tính được.

Thực sự tôi không bất ngờ về vụ nước thải của nhà máy Vedan, vì nếu kiểm tra các nhà máy khác tôi nghĩ là cũng cho kết quả tương tự. Theo tôi nghĩ, nhà máy Vedan xây dựng và hoạt động đã lâu, vì sao các nhà quản lý của chúng ta để cho họ thải chất thải thô vào môi trường. Nếu kiểm tra nghiêm túc định kỳ thì rõ ngay, chỉ cần lấy mẫu nước thải xét nghiệm là biết, trách nhiệm này thuộc về ai ?

Trong việc này, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý, cấp phép, còn công ty Vedan là thủ phạm nhưng thực ra họ cố tình lách qua kẽ hở trong quản lý mà thôi để giảm chi phí.

Trần văn Lý

Nói không với toàn bộ sản phẩm của Vedan !

Một biện pháp tích cực của người tiêu dùng là hãy nói không với toàn bộ sản phẩm của Vedan vì chính những sản phẩm này đã trực tiếp giết chết sông Thị Vải và tạo ra lợi nhuận qua việc tàn phá môi trường sinh thái và gây hại cho sức khỏe của người dân trong lưu vực sông .

Vũ Đình Ngoan

Vedan coi thường pháp luật Việt Nam

Các nhà chuyên chuyên cần phải xử lý việc này đến nơi. Đúng pháp luật, không nương tay để cảnh báo cho một số công ty khác còn bất chấp pháp luật để làm lợi bất chính.

Kể cả cấm Vedan không cho phép hoạt động nữa. Một công ty có tiếng như vậy mà coi thường pháp luật Việt Nam, hoạt động rất tinh vi nhiều năm qua và có tổ chức. Tôi bức súc và rất đồng tình quan điểm này.

nguyen van binh

Người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay đối với sản phẩm bột ngọt Vêdan

Đây là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt nam, coi thường con người và đất nước Việt Nam. Chúng ta phải trả giá quá đắt cho bài học này, ngoài nhũng tác động huỷ hoại môi trường, thiệt hại về kinh tế đã rõ nét thì nhũng tác động từ chất thải độc hại tới người dân sống ở lưu vực sông Thị Vải thật không thể tính nổi.

Tôi cho rằng ngoài việc phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật để trừng trị hành động vi phạm trên, góp phần răn đe các trường hợp khác thì cần thiết phải nâng cao khả năng phát hiện và đấu tranh với các vụ vi phạm về môi trường một cách hiệu quả hơn, tránh tình trạng sự việc kéo dài 10 năm phá huỷ cả một dòng sông và gây bao tác hại mới bị phát hiện.

Tôi kêu gọi toàn thể người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay đối với sản phẩm bột ngọt Vêdan.

Trần Trần

Thỉnh thoảng mình vẫn đi ngang qua Vedan dọc theo quốc lộ. Ấn tượng từ bề ngoài là rất sạch và cả xanh mát nữa. Không biết ai thiết kế, xây dựng công trình này mà tuyệt thế.

Thế rồi người ta nói Vedan gây ô nhiễm môi trường mình vẫn không tin và vẫn nghĩ chắc là cái kiểu ghen ăn tức ở, muốn triệt hạ nhau trên thương trường thôi. Thật không ngờ, cái vẻ bề ngoài bóng bẩy thế chỉ là cái vỏ nguỵ trang cho một "căn bệnh quá nặng".

Theo mình thì phải truy lại không những các công ty tư vấn, thiết kế và cơ quan nhà nước đặt bút phê duyệt thiết kế nhà máy mà cả các công ty đã thi công xây dựng nhà máy Vedan (cụ thể là thi công hệ thống xử lý của Vedan), và phải phạt thật nặng những Công ty này vì đã che giấu, tiếp tay cho những hành động vi phạm pháp luật.

Có làm mạnh tay thì họ mới sợ, giống kiểu thực thi pháp luật của Singapore thì mới nghiêm được. Còn về sản phẩm của Vedan nói riêng và của những công ty vi phạm luật bảo vệ môi trường nói chung thì ta nên có luật cấm đưa vào thị trường tiêu thụ tất cả các sản phẩm của những công ty cố tình vi phạm luật bảo vệ môi trường cho đến khi họ khắc phục hoàn toàn hậu quả đã gây ra và không tái phạm trong khoảng thời gian nhất định.

Thuốc có đắng thì mới chữa khỏi bệnh. Riêng Vedan thì "bệnh" đã trở nên trầm trọng dạng "ung thư" rồi nên làm "thủ thuật" cắt bỏ "khối u" đó đi là vừa. Không thì nó lây lan nhanh lắm.

Vì việc PC36 thông báo các hệ thống cống ngầm của Vedan vừa một phần vạch mặt kẻ vi pham nhưng mặt khác lại là một gợi ý tốt cho những kẻ đang có ý định vi phạm pháp luật mà lâu nay chưa nghĩ ra cách. Từ gợi ý này những kẻ đó sẽ cải tiến ngày càng tinh vi hơn nữa để áp dụng.

Trong y học người ta gọi hiện tượng này là "trị bệnh không dứt điểm gây ra hội chứng nhờn thuốc". Vì thế dù có "đau" đến đâu cũng phải "cắt bỏ". Thà đau một lần sau đó cơ thể chúng ta không mang bệnh nữa thì vẫn hơn.

Pham Van Chau

Ai đã tiếp tay cho Vedan giết sông Thị Vải ?

Có một bài hát được viết lời rằng [ Ai cũng hiểu chỉ có một người không hiểu !!], lời này đúng trong trường hợp của các vị liên quan của Sở TNMT Tỉnh ĐN. Thực chất vấn đề nhức nhối này đã phát sinh từ rất lâu và Bộ Trưởng Bộ TNMT cũng đã kết luận phỏng đoán khi đi thị sát Sông Thị Vải năm 2005.

Đồng thời những người dân sống quanh khu vực và Cán bộ,nhân dân Tỉnh ĐN đều biết nhưng không hiểu sao bây giờ mới được các vị liên quan biết. Giống như quý Tòa soạn đã đặt câu hỏi [Ai đã tiếp tay cho Vedan giết Sông Thị Vải] và sự tiếp tay này là vô trách nhiệm,năng lực yếu kém hay có chủ ý.

Kết luận là chưa đạt chỉ tiêu bảo vệ môi trường,đề nghị khắc phục… cũng là một số người và đề nghị cấp phép cho công ty này thải ra sông Thị Vải cũng vẫn chỉ là những người đó.

Tại các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc, khi phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến Quốc kế, Dân sinh thì người đứng đầu của cơ quan,tổ chức đó sẽ dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm và xin lỗi công khai trước Đất Nước,Nhân Dân.

Thậm chí tại Nhật Bản đã có Lãnh đạo tối cao của tổ chức cạo đầu,quỳ xin lỗi trước nhân dân do phát sinh rò phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân, hay Lãnh đạo cục đường sắt Nhật Bản xin lỗi tới người nhà các nạn nhân khi tai nạn tàu điện ngầm xảy ra .Và hầu hết các vị này đều dũng cảm xin từ chức ra đi thay vì bị tẩy chay nếu tham quyền cố vị.

Còn đằng này không hiểu tại sao chẳng thấy vị nào có dũng khí đứng ra xin lỗi và nhận lấy trách nhiệm quản lý về mình. Phải chăng các vị không hiểu về văn hóa xấu hổ và không có dũng khí nên không dám làm. Không biết từ giờ trở đi sẽ còn bao nhiêu vụ giống như Kênh Ba Bò và Sông Thị Vải.

Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sức khỏe và tương lai của Con Lạc,Cháu Hồng rồi sẽ ra sao ?

Long Ly

Hiện tôi đang ngụ tại Hoa Kỳ .Là một Nhân viên kỹ thuật đang làm việc tại Việt nam (KCXTT va BD) .Việc làm của công ty VenDan là " giết người có giấy phép ". Mỹ gọi là Lisence to Killer.

Nếu như để mọi người (NDT) nước ngoài (FDI) đang đầu tư tại Việt Nam " cần phải tôn trọng Luật pháp Việt nam " thì Chính quyền cần phải có biện pháp nghiêm trị như sau :

1- Thu hồi giấy phép và đình chỉ mọi hoạt động của công ty nầy.

2- Bồi thường mọi thiệt hại ( Nhân mạng, tài sản và hậu quà biến chứng các bệnh cho đồng bào thuộc khu vực )

3- Đưa toàn bộ Ban giám đốc cTy ra toà để " làm việc ". 

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Mấu chốt chính của vấn đề này vẫn chỉ là một câu nói quen thuộc "trách nhiệm của các cấp lãnh đạo". Một doanh nghiệp lớn với một lượng nước thải lớn như vậy chẳng lẽ không làm "tò mò" các "ngài". Tại sao nước ta, khi mọi vấn đề đã có kết quả thì mới bắt đầu điều tra rồi sửa chữa nhỉ?

Tại sao không chấn chỉnh ngay từ đầu? Kết quả như thế này biết quy lỗi cho ai đây?

Nước này, sông này là của chúng ta, của con cháu chúng ta cơ mà, tại sao lại để nó bị phá huỷ trong tay những kẻ khác? Qua vụ việc này cũng như vô số những trường hợp khác, đã đến lúc Việt Nam cần mạnh tay hơn trong việc xử lí tình trạng nước thải nói riêng cũng như ô nhiễm môi trường nói chung? Đừng để đến khi quá muộn!

Trọng Nghĩa

Tại sao 14 năm mà thanh tra môi trường không phát hiện, hoặc phát hiện mà không xử lý.

Và thế là họ tiếp tục giết con sông thơ mộng nhỏ bé này, tiếp tục làm cho cuộc sống của những người dân thấp cổ bé miệng, suốt đời chỉ biết lao động cực nhọc, ngày càng khổ sở thêm vì mùi hôi thối của con sông Thị Vải đã chết.

Minh Hằng

Giết niềm tin ở người tiêu dùng

Người tiêu dùng chúng tôi không còn niềm tin ở một doanh nghiệp có tiếng này nữa, họ đã làm một việc không có đạo đức, huỷ hoại cuộc sống của người dân dọc con sông đó - Họ thừa biết rằng con sông làm nguồn sống của bao người dân vậy mà họ coi đây là cái cống để thải nước bẩn. Không thể nói hết được những bức xúc của chúng tôi khi họ thản nhiên và lạnh lùng như vậy.

Trần Mạnh Hùng

Hãy xử lý Vedan thật nghiêm

Tôi đã nghe những sai phạm của công ty Vedan đã từ rất lâu từ vụ đổ chất thải nguỵ tạo với cái tên mỹ miều là phân Vedancro ở tỉnh Tây Ninh cho những vụ việc sai phạm liên tiếp gần đây.

Tôi thấy họ đã vì lợi ích cá nhân huỷ hoại nghiêm trọng môi trường và cuộc sống của người dân. Tôi mong mọi người hãy tẩy chay bột ngọt Vedan và nhà nước hãy xem xét đóng cửa luôn nhà máy này.

Nguyễn Hồng Hải

Thiết kế lắp đặt cả một hệ thống cầu kỳ phức tạp như vậy, rõ ràng là Vedan cố tình lừa dối các cơ quan chức năng, cố tình "giết" dòng Thị Vải. Sự việc đã như vậy tôi mong muốn chính quyền phải xử lý thật nghiêm.Truy tố những kẻ chịu trách nhiệm thậm chí đóng cửa nhà máy bẩn này.

Cái lợi từ nguồn thu từ những doanh nghiệp như Vedan không thể bù đắp cho những thiệt hại về môi trường mà họ gây ra cho đất nước này.

Vu Khanh Hung

Việc Vedan "bày binh bố trận" một hệ thống các loại van xả, ống xả như vậy cho thấy mục đích rất rõ ràng của Công ty này là che dấu pháp luật. 14 năm liền với tưng đấy nước thải độc hại thải xuống sông Thị Vải mỗi ngày đã làm dòng sông bị ô nhiễm nặng nề và đã có không biết bao nhiêu người dân phải chịu ảnh hưởng lớn về sức khoẻ.

Tôi nghĩ Pháp luật nên làm rõ ràng "vụ này" để răn đe. Đề nghị "Tiền phong" theo sát vụ việc này đến khi nó thực sự kết thúc để người đọc chúng tôi đựơc theo dõi.

Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...