Nhớ chơi vơi Quang Dũng

Cố nhà thơ Quang Dũng và tranh của ông.
Cố nhà thơ Quang Dũng và tranh của ông.
TP - Nghe Sài Khao, Mường Lát vừa bị lũ dữ vùi dập tan hoang. Giật mình nhớ lại. Ồ đã tròn 70 năm ra đời bài thơ “Tây Tiến” (mùa hè 1948). Lại cũng tròn 30 năm Quang Dũng ra đi (13/10/1988).

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời” (Tây Tiến - Quang Dũng). Nghe bảo những người lính già Trung đoàn Tây Tiến năm xưa nay còn sống vẫn thường tụ nhau về tổ chức sinh nhật bài thơ!

Chiều nay chơi vơi. Nhớ. Bồi hồi giở lại tập “Mây đầu ô” trên giá sách. Bìa đã sờn, gáy đã long. 32 năm rồi còn gì, tóc đã bạc hết rồi còn gì. Cuốn thơ được in riêng đầu tiên của Quang Dũng (NXB Tác phẩm mới) nộp lưu chiểu tháng 5/1986, khi thi nhân đã liệt giường vì bệnh tật, không còn nói được gì nữa. Cuốn thơ này tôi nhớ mua ở Hiệu sách nhân dân bên kia cầu Trường Tiền, Huế.

Nhớ cái đêm 14/10/1988, tôi rủ mấy gã bạn văn khoa tự tổ chức đêm tưởng niệm Quang Dũng trong phòng ký túc xá 27 Nguyễn Huệ. Lũ chúng tôi mày mò vẽ lại chân dung ông từ bức ảnh trong “Mây đầu ô”, đặt trên chiếc bàn nhỏ. Ly rượu gạo. Mấy nén nhang. Bó hồng dại bứt trộm nơi hàng rào nhà ven Thành nội lúc chiều. Và thay nhau đọc thơ. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”…  

Mà sao cái năm Mậu Thìn 1988 ấy dữ dội quá. Như phát hiện của Lý Đợi, là cái năm mà bao bậc tài hoa lần lượt ra đi. Đào Duy Anh, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Phạm Huy Thông, Thanh Tịnh, Lê Văn Xương. Và Quang Dũng…  

Lại giở xem lại cuốn sổ chép thơ lưu giữ suốt 40 năm nay từ thuở phổ thông. Đây rồi. Bài thơ “Những làng đi qua”. Còn tự vẽ minh họa dưới bài thơ với hình ảnh bóng núi mờ xa, những mái tranh, gốc cau, viên đá ong… Và cả mây nữa. Màu mực xanh Cửu Long sao mà bền bỉ.

Xem lại bức tranh “Mây đầu ô” vẽ bằng thuốc nước của ông. Con đường nhỏ chạy hun hút về nơi đâu. Giữa đôi vạt lúa vàng, hay là màu cỏ đồng khô cháy? Đôi cây cột điện gầy đói đứng nghiêng nghiêng. Và mây gần mây xa, bời bời, chồng chất. Hoang vu như nỗi niềm thi nhân bao điều không thể nói ra. “Mây ở đầu ô mây lang thang/ Ôi! Chật làm sao/ góc phố phường/ Mây ở đầu ô/ Hẹn những chân trời xa lạ/ Qua một ngọn cột đèn...”.  

“Tôi làm thơ rất nhanh, làm xong đọc trước Đại hội (toàn quân liên khu III), được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Nhân có Nguyễn Huy Tưởng đại biểu nhà văn ở Việt Bắc về dự, tôi gửi anh luôn. Sau  đó anh Xuân Diệu cho in ngay ở tạp chí Văn nghệ”. Trong một hồi ức hiếm hoi, Quang Dũng kể về xuất xứ bài thơ “Tây Tiến” như vậy. “Tây Tiến” lập tức lừng lẫy khắp nơi, nhưng rồi nhanh chóng bị “tắt tiếng” vì bị lãnh đạo phê là “nhuốm màu tư sản sa đọa”. Cộng với việc bị quy kết những thứ “tin đồn” khác, thi nhân gần như trở thành người im lặng. Sự im lặng mang vẻ buồn lẫm liệt.

Ký họa của Trần Dần có nhiều cột đèn. Có cả tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” (bị xếp ngăn kéo từ năm 1966 nay mới vừa được in). “Không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được”.

Quang Dũng, Trần Dần, Lưu Quang Vũ đã lựa chọn cho mình một thân phận giữa mê lộ thi ca và cũng chính là sinh tử đời sống. Trên láo nháo đầy vinh – nhục của những ngã rẽ đời người.

Tự hỏi, người viết sống thế nào sau khi chết? Tự trả lời, họ đã sống như vậy đó. Trong cõi nhớ…  

MỚI - NÓNG