Nối những ân tình

Nhịp cầu nối đất liền với lính đảo Trường Sa

Nhịp cầu nối đất liền với lính đảo Trường Sa
TP - Con tàu HQ 996 đưa chúng tôi cưỡi sóng đến với Trường Sa trong thời điểm hoàn lưu cơn bão số 1 của năm 2008 vẫn khiến biển khơi ầm ào sôi sục.

Tại Bình Ba (Cam Ranh) khi bước lên tàu, anh Đình Quân - PV Tiền phong thường trú ở Khánh Hòa, bắt tay tôi thật chặt, dặn dò: Ở đâu không biết, chứ trên Trường Sa xa xôi, báo mình với anh em lính đảo thân thiết như một nhà.

Nhịp cầu nối đất liền với lính đảo Trường Sa ảnh 1
Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây nhận những thùng hàng từ đất liền

Nối những ân tình

Bữa cơm đầu tiên tôi được thưởng thức trên Trường Sa xa xôi là cùng với anh em ở “gia đình” cụm chiến đấu số 2 (lính thông tin) trên đảo Song Tử Tây.

Khi biết tôi là “quân” của Tiền phong ra thăm đảo, cả cụm chiến đấu 2 cùng vui vẻ như đón người nhà.

Những cái bắt tay thật chặt, những câu chuyện nổ như ngô rang đủ để tôi hiểu, lính đảo Trường Sa thật sự đã quá quen thuộc với tờ báo của T.Ư Đoàn.

Nguyễn Duy Hoàng, anh lính trẻ sốt sắng ghi lại địa chỉ liên lạc Hòm thư 6KE - 1075 Trường Sa (Khánh Hòa) cho tôi, giọng phấn khích: “Em đã nghe các anh kể nhiều về những tình bạn, tình yêu của lính Trường Sa được báo Tiền phong bắc cầu nối, nhờ có các anh trực tiếp ra đây, xin ghi lại địa chỉ để được kết bạn. Với lính đảo bọn em, tối ngày tập luyện, quanh năm chỉ có sóng và gió, tối về được đọc báo, đọc thư là thấy vui lắm rồi”.

Đảo trưởng đảo Song Tử Tây, Trung tá Trịnh Lương Vượng, thay mặt anh em trên đảo nhận thùng quà là sách báo và các ấn phẩm của Tiền phong, xúc động nói: “Đây chính là món quà có ý nghĩa nhất với chúng tôi, anh em ở đây vật chất tương đối tạm ổn, ăn uống có đầy đủ rau xanh thịt cá, chỉ mỗi tội là thiếu sách báo để đọc. Nhất là những tờ báo của tuổi trẻ như Tiền phong.

Mặc dù bây giờ có tivi, điện thoại nhưng sách báo vẫn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của lính đảo. Báo Tiền phong giờ cũng thay đổi nhiều, vẫn mạnh mẽ và bản lĩnh. Chỉ mong sao tờ báo của Đoàn này mãi là người anh em thân thiết của lính Trường Sa, vì báo còn là cây cầu nối nhịp những ân tình giữa đất liền với đảo xa mà”.

Thư viện ở Nam Yết

Nhịp cầu nối đất liền với lính đảo Trường Sa ảnh 2 Nhịp cầu nối đất liền với lính đảo Trường Sa ảnh 3
Đọc báo tại thư viện Tiền phong ở đảo Nam Yết Trung úy Tạ Mạnh Hùng bên tủ sách ở thư viện đảo Nam Yết

Vượt chặng đường dài gần 300 hải lý trong thời tiết mưa gió thất thường, nhưng thật may là chúng tôi đến Nam Yết đúng ngày nắng vàng rực rỡ trải dài trên những doi cát. Cái nắng rực rỡ càng tô điểm cho Nam Yết xanh ngắt một hòn đảo ngọc giữa biển trời lồng lộng. Chiến sĩ trẻ trên đảo đón chúng tôi trong niềm hân hoan hồ hởi.

Đến với Nam Yết, ngoài túi quà là quần áo của chị Nguyễn Thị Phấn (cán bộ Đoàn huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) gửi cho chồng là thiếu úy Đỗ Việt Tiến, tôi còn phải “trông coi” cả một thùng sách báo lớn của báo Tiền phong gửi tặng thư viện trên đảo.

Đây dường như đã là một công việc không thể thiếu của cán bộ phóng viên báo Tiền phong khi ra với Trường Sa. Vừa cập cầu cảng, trung úy Tạ Mạnh Hùng - cán bộ quản lý thư viện, hồ hởi kéo tôi đi: “Mời anh lên thăm thư viện đã, anh em ở đây đã quen thuộc với cái tên Thư viện Tiền phong rồi”.

Bước chân vào phòng đọc của thư viện ở Nam Yết, thú thực là tôi không thể tin nổi mức độ phong phú của các đầu sách, ấn phẩm và báo chí ở đây. 4 dãy tủ dài trong căn phòng hơn 100m2 bày chật hàng ngàn cuốn sách văn học, khoa học, quân sự...

Tất nhiên, Tiền phong là tờ báo được đọc nhiều và ưa chuộng nhất của cán bộ chiến sĩ ở đây. Tủ sách mang tên Tiền phong nằm trang trọng, với hàng trăm tờ báo và các ấn phẩm Người đẹp, Tri thức trẻ...

Trung úy Tạ Mạnh Hùng cho biết: “Đây là thư viện do báo Tiền phong giúp đỡ hình thành từ đầu năm 1999. Lúc đó mới chỉ là phòng đọc, sau này nhờ báo thường xuyên gửi tặng sách qua những chuyến tàu ra thăm đảo nên mới đầy đủ, khang trang như ngày hôm nay”.

Thiếu úy Lê Văn Tuấn (phân đội cối), mân mê tờ Tiền phong mới nhất được đưa ra đảo, ngậm ngùi: “Tiền phong là tờ báo của tuổi trẻ, lại có trang Hành trang người lính rất thích hợp với tụi em.

Ngó nhiều vậy nhưng Tiền phong ở đây vẫn còn thiếu lắm, đảo Nam Yết có 4 chi đoàn, mỗi chi đoàn được cấp 1 tờ. Còn các ấn phẩm khác hiếm lắm. Biết mỗi lần ra đảo là khó khăn, được như thế này so với anh em ở đảo khác là tốt lắm rồi. Nhưng vẫn thấy thiêu thiếu thế nào ấy”.

Nhớ ngày cùng các anh Đình Quân và Phùng Nguyên mướt mồ hôi giữa trưa nắng gắt ở ga Nha Trang chuyển hơn 30 thùng sách báo Tiền phong nặng  trịch xuống Cam Ranh để lên tàu đi Trường Sa, Đại tá Nguyễn Văn Liên, Phó Chỉ huy trưởng Vùng 4 Hải quân, đã cảm động chia sẻ: “Từ lâu Tiền phong là đơn vị đi đầu trong phong trào tặng sách báo trong mỗi lần tàu ra đảo Trường Sa. Vậy nhưng Tiền phong vẫn còn thiếu so với sức đọc của anh em lính đảo đấy nhé...”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.