Nhìn Quang Dũng từ 'Mắt người Sơn Tây'

Con gái nhà thơ Quang Dũng ngâm bài thơ “Tây Tiến” Ảnh: Mai Xuân Tùng
Con gái nhà thơ Quang Dũng ngâm bài thơ “Tây Tiến” Ảnh: Mai Xuân Tùng
TP - Dịp ra mắt tinh tuyển thơ văn Quang Dũng Mắt người Sơn Tây, người yêu thơ gặp nhau tại L’Espace nói về Quang Dũng, đặc biệt trăm ngả vẫn dẫn về bài thơ Tây Tiến.

> Tháng Giêng gặp lại 'Mắt người Sơn Tây'

Nếu chọn 10 bài thơ hiện đại tiêu biểu thế kỷ 20 phải có Tây Tiến, 5 bài vẫn có Tây Tiến và nếu 3 bài có lẽ cũng vẫn có, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói mạnh.

Với Vũ Quần Phương, Quang Dũng là nhà thơ lạ, đại diện thành tựu thơ kháng chiến chống Pháp- cùng hàng ngũ với Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm. “Nhưng Quang Dũng một mình đứng riêng một ốc đảo giữa các nhà thơ kháng chiến, nhất là Tây Tiến”, Vũ Quần Phương nhận xét.

Ưu điểm của tinh tuyển lần này là giới thiệu được nhiều tư liệu mới trong đó có bài thơ Chiêu Quân viết năm 1937.

Vũ Quần Phương đọc bài thơ cùng với Cố quận, Giang hồ, Trở rét, Buồn êm ấm, thấy có thể hiểu được cảm xúc và bút pháp rất lạ của Tây Tiến: Mấy gã thanh xuân lòng bốn cõi (Giang hồ); Ngoài kia mây nước khóc gì nhau (Trở rét); Có những đêm trường buông gối chăn/Giận mình êm ấm, chán tình thân (Buồn êm ấm).

Chất lãng mạn một cách phiêu du, có hơi hướng dân tộc làm nên thành công của Đôi bờ, Mắt người Sơn TâyTây Tiến.

Đến tọa đàm, nhà thơ Vân Long kể về cuộc sống, con người Quang Dũng với tư cách người bạn, người anh em thân thiết. Ông cho rằng “đi” và “bạn” là hai niềm đam mê lớn nhất suốt đời Quang Dũng.

Nhà thơ Tây Tiến cùng với Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện tạo thành bộ ba “đồng cấp về tinh thần và tâm hồn”. Quang Dũng coi thơ rất hư ảo, theo lời Vân Long.

Bạn thơ Trần Lê Văn từng tả Quang Dũng là như đám mây lạc vào phòng. Quang Dũng được nói đến như người có sức lan tỏa, gần 40 năm người ta vẫn nghĩ bài thơ Mai chị về (Nguyễn Đình Tiên) là của ông, vì hơi hướng lãng mạn trong đó.

Bùi Phương Thảo con gái Quang Dũng bất ngờ xuất hiện trên sân khấu ngâm bài Tây Tiến, trước khi cất tiếng hát mộc ca khúc do con trai nhà thơ- Bùi Đăng Vĩnh phổ những lời thơ đẹp Không đề: “Anh mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa…Tóc anh đã thành mây trắng, mắt em dáng thời gian qua”.

Khán phòng L’Espace chỉ đầy một nửa. Có người chép miệng, Quang Dũng xứng đáng được hơn thế. Phần giao lưu, đặt câu hỏi kém xôm. Nhiều câu hỏi xa rời tác giả Mắt người Sơn Tây.

Nhà phê bình Vũ Nho nói về những điều mới mẻ, đặc sắc, rất riêng trong bài Tây Tiến: nhớ chơi vơi, Mai Châu mùa em thơm nếp xôi và khẳng định Quang Dũng độc quyền về cảnh Tây Bắc, Quang Dũng làm cho đoàn quân Tây Tiến nổi tiếng nhờ bài thơ, còn để lại dấu ấn hơn cả thế hệ Nam tiến.

Tọa đàm về Quang Dũng lại là dịp để các nhà thơ, nhà phê bình cảm thông với các tên tuổi một thời chịu trận về chất lãng mạn trong thơ thời kháng chiến.

Sau Tây Tiến, Quang Dũng không phát huy sở trường này, thơ bị tãi rất loãng, vẫn có những câu hay, nhưng bị lẫn vào nhiều câu khác. “Đây cũng lại một cái tội nghiệp cho một tài thơ.

Thời thế cũng có một phần trách nhiệm trong đánh giá về tác giả, dẫn đến tác phong sống của Quang Dũng- ông rất hư ảo. Nhắc đến các bài thơ nổi tiếng của ông, ông chối Không phải của tôi, Vũ Quần Phương nói.

Mắt người Sơn Tây gồm thơ, văn xuôi, thủ bút và ảnh, một số bài viết về Quang Dũng của Phong Lê, Bùi Giáng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện. Cuốn sách còn có nhiều bức tranh bột màu, bột nước của Quang Dũng thiên về phong cảnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.