Nhìn lại bốn tháng bất ổn tại Sudan vừa qua

Người biểu tình Sudan trước trụ sở Bộ Quốc phòng tại thủ đô Khartoum
Người biểu tình Sudan trước trụ sở Bộ Quốc phòng tại thủ đô Khartoum
TPO - Dòng người biểu tình đông đảo tại quốc gia châu Phi đã bắt đầu tuần hành kể từ tháng 12 năm ngoái, nhằm đề nghị chính phủ cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời kêu gọi Tổng thống Omar al-Bashir từ chức sau hơn ba thập kỷ nắm quyền.
Cuộc biểu tình kéo dài từ ngày thứ bảy vừa qua tại trụ sở Bộ Quốc phòng Sudan ở thủ đô Khartoum đã thu hút hàng nghìn người tham dự. Những người biểu tình đồng thời kêu gọi quân đội ủng hộ họ nhằm lật đổ Tổng thống Bashir. Sau khi truyền thông nhà nước cho biết quân đội sẽ đưa ra tuyên bố quan trọng, đây được cho là thời điểm để những người biểu tình "vùng dậy".
Cuộc biểu tình bánh mì
Hàng trăm người đã xuống đường ở thành phố miền trung Atbara cùng nhiều nơi từ ngày 19/12 năm ngoái, nêu yêu sách đòi chính phủ cải thiện mức giá bánh mì, sau ba tuần mặt hàng này thiếu hụt, trong bối cảnh lạm phát ngày càng trở nên trầm trọng. Giá thực phẩm tại Sudan đã tăng nhẹ vào đầu năm 2018, nhưng ngay sau đó đã rớt giá thảm hại.
Đợt biểu tình mới tiếp tục diễn ra cùn ngày, trong khi lãnh đạo phe đối lập là cựu Thủ tướng Sudan Sadiq al-Mahdi, người từng bị Tổng thống Bashir miễn nhiệm sau vụ đảo chính năm 1989, đã trở lại. Nhiều người biểu tình hô vang "Nói không với cái đói". Đáng chú ý, tại Atbara, họ đã phóng hỏa trụ sở Đảng Đại hội Quốc dân (NCP) của Tổng thống Bashir.
Ngày biểu tình chết chóc
Người biểu tình đã tràn vào Khartoum và nhiều thành phố khác vào ngày 20/12, tiếp tục kêu gọi "tự do, hòa bình, công lý", đồng thời bộc lộ ý định "chấm dứt chế độ". Cảnh sát đã đụng độ với người biểu tình trong nỗ lực giải tán đám đông. Ít nhất 8 người biểu tình thiệt mạng, trong khi một quan chức NCP bị tấn công bằng lửa. Quân đội đã triển khai lực lượng tại những nơi có biểu tình. Vào ngày biểu tình thứ sáu, Tổng thống Bashir đã phá vỡ tình hình yên lặng vào ngày 24/12, kêu gọi "cải cách thực chất".
Tổng thống Bashir ra tay
Trong thời điểm chưa có dấu hiệu biểu tình, 22 chính đảng đã hội đàm vào ngày 1/1, kêu gọi về một "chế độ mới". Tổng thống Bashir đã miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế vào ngày 5/1 với lý do giá thuốc tăng cao. Bốn ngày sau, đám đông ủng hộ Tổng thống Bashir xuống đường tại Khartou,, nhưng tại thành phố lân cận Omdurman, đã có nhiều người biểu tình thiệt mạng.
Ngày 13/1, người biểu tình tràn vào Darfur. Tổng thống Bashir đã kêu gọi những người ủng hộ mình tại đây rằng: "Biểu tình không thể thay đổi chính phủ".
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Các quốc gia phương Tây đã kêu gọi Sudan tôn trọng quyền của người biểu tình vào ngày 17/1. Ngày 11/2, Tổ chức Giám sát nhân quyền đã tiết lộ đoạn video cho thấy cảnh bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, trong bầu không khí đậm đặc hơi cay, lửa và tiếng nổ. 10 ngày sau, cơ quan an ninh đã bắt một vài nhà hoạt động cố gắng xâm nhập vào tư dinh Tổng thống.
Tổng thống Bashir đã kêu gọi tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 22/2, cùng với đó giải tán chính phủ và bộ máy lãnh đạo các địa phương, thay thế bằng các đại diện của quân đội. Hai ngày sau, ông không tiếc lời công kích vị Thủ tướng mới, khi cảnh sát chống bạo động đứng trước hàng nghìn người kêu gọi ông từ chức.
Ngày 1/3, Tổng thống Bashir tuyên bố nắm quyền đảng NCP.
Sáu ngày ở trụ sở Bộ Quốc phòng Sudan
Đoàn người biểu tình đã giảm dần quy mô và số lượng sau khi đất nước lâm vào tình trạng khẩn cấp. Tổng thống Bashir đã thừa nhận quyền lực "hợp pháp" của người biểu tình trong yêu sách về kinh tế, kêu gọi đối thoại.
Thế nhưng, ngày 6/4, hàng nghìn người biểu tình lại tiếp tục tuần hành ở Khartoum, lần đầu tiên kêu gọi quân đội ngả về phía hàng ngũ người biểu tình, với khẩu hiệu "Một quân đội, một nhân dân". Người biểu tình lập lều trại nghỉ chân ngay tại trụ sở Bộ Quốc phòng, đồng thời cũng là tư dinh Tổng thống, song lực lượng an ninh đã trấn áp họ bằng hơi cay và thậm chí là bắn chỉ thiên.
Ngày 9/4, cảnh sát không can thiệp trong lúc quân đội triển khai lực lượng nhằm kiểm soát tình hình, đồng thời kêu gọi từng người không gây ra hành động nào chống lại người biểu tình.
Truyền thông quốc gia Sudan cho biết, 11 người đã thiệt mạng, trong đó có 6 nhân viên an ninh bị sát hại chỉ trong một ngày, nâng tổng số nhân viên an ninh thiệt mạng trong cuộc biểu tình lên con số 49.
Ngày 11/4, ngày thứ sáu của cuộc biểu tình chưa từng có, truyền thông quốc gia cho biết, quân đội sẽ đưa ra bản tuyên bố quan trọng. Nhân dân Khartoum đổ ra đường, xung quanh trụ sở Bộ Quốc phòng, hô vang khẩu hiệu "chấm dứt chế độ Bashir", đồng nghĩa với việc vị Tổng thống nắm quyền ba thập kỷ này đã không còn quyền lực trong tay.
Theo Theo France24
MỚI - NÓNG