GS Hideyuki Ida công tác ở Khoa Giáo dục, Trường ĐH Shinshu. Ông đã dành 15 năm nghiên cứu khả năng hoa cây sồi trắng Nhật Bản (tên khoa học là Fagus crenata) cho con người biết khi nào thì gấu đen mò vào khu dân cư để tìm thức ăn. GS Ida đã thu gom hoa sồi trắng để nghiên cứu về khả năng đậu quả, tạo nguồn thức ăn cho động vật trong từng năm. Các khu rừng sồi trắng là nguồn thức ăn chính của gấu đen.
Bằng cách chỉ ra rằng các mô hình biến động của nguồn hạt sồi trắng và số gấu bị tiêu diệt có liên quan đến một mô hình số, dữ liệu có thể góp phần dự đoán sớm về sự xâm nhập liên tục, hàng loạt của gấu vào khu dân cư. Các biến số trong mô hình số bao gồm việc sản sinh nhụy hoa… và số lần gấu đen gây hại bị tiêu diệt.
Ở những khu vực có nhiều cây sồi trắng, việc gấu có xuống núi hay không sau mùa hè có thể được dự đoán ở một mức độ nào đó bằng cách quan sát mức độ ra hoa của cây sồi trước đầu mùa hè. Tức là nguy cơ bị gấu xâm nhập có xu hướng tăng khi số lượng hoa giảm.
Nghiên cứu mối tương quan giữa hoa sồi trắng và việc gấu đen mò vào khu dân cư diễn ra trong 15 năm ở cùng một địa điểm - nơi GS Ida và cộng sự liên tục khảo sát thực địa và lấy mẫu cơ quan sinh sản của những cây sồi trắng. “Tôi rất vui vì dữ liệu khoa học được thu thập trong khu vực mà tôi đang cư trú có thể được sử dụng để giúp đỡ mọi người”, ông nói. Các nghiên cứu trước đây chỉ thu thập dữ liệu từ 3 đến 7 năm.
Ban đầu, nghiên cứu làm sáng tỏ các vấn đề sinh sản của rừng sồi trắng Nhật Bản. Sau đó, GS Ida nhận ra rằng, dữ liệu thu thập được có thể được mở rộng để giải quyết các vấn đề địa phương liên quan đa dạng sinh học và mối quan hệ giữa gấu và người. Các kết quả từ nghiên cứu có thể góp phần giảm bớt sự đối đầu trực tiếp giữa cư dân và gấu đen, thúc đẩy chung sống hòa bình.
GS Hideyuki Ida hy vọng sẽ triển khai phương pháp dự báo gấu đen xâm nhập khu dân cư bằng cách quan sát các chùm hoa đực của loài sồi trắng tại các khu vực khác ở vùng phía đông gần biển Nhật Bản.