Trung bình mỗi năm, khoảng 20 triệu đám cưới diễn ra trên khắp Ấn Độ. Tất cả đều mang một điểm chung, đó là vàng. “Đám cưới sẽ không thể cử hành nếu thiếu vàng”, Vithka Agarwal, người đồng sáng lập công ty tổ chức đám cưới Divya Vithika Wedding Planners tại thành phố Bangalore, nói.
“Dù xuất thân trong gia đình giàu hay nghèo, cô dâu vẫn phải đeo lên người cả đống vàng bởi đó là ngày gia đình cô khoe của cải, sự giàu có và phồn thịnh. Số vàng trên người thực sự rất quan trọng", Agarwal cho hay.
Trong ngày trọng đại, cô dâu sẽ khoác lên người rất nhiều trang sức như phụ kiện của tóc, khuyên mũi, bông tai, dây chuyền và bùa hộ mệnh. Toàn bộ những phục sức đó đều có thể làm bằng vàng. “Đôi khi, khách sẽ thấy vàng xuất hiện nhiều hơn cả gương mặt của cô dâu”, Somasundaram PR, giám đốc điều hành Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tại Ấn Độ, chia sẻ.
Theo số liệu của WGC, Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với số vàng khoảng 800 đến 1.000 tấn mỗi năm.
“Nhu cầu về vàng của Ấn Độ có thể ảnh hưởng tới giá vàng của thế giới. Phấn lớn vàng của quốc gia này dùng để làm đồ trang sức. Trong đó, khoảng 50% đến 60% là trang sức dành cho cô dâu”, PR nói.
Agarwal cho biết, người Ấn Độ thường tổ chức đám cưới rất lớn. Đôi khi, để tổ chức một đám cưới, gia đình đó đã phải chuẩn bị trong hàng thập kỷ. Đám cưới thường diễn ra ít nhất trong vòng 3 ngày với khoảng 3.000 đến 6.000 khách mời.
Cô cho hay, những gia đình thượng lưu sẵn sàng tới 200.000 USD để tổ chức một đám cưới. Chiếc sari thêu vàng mà cô dâu mặc trong ngày trọng đại đó trị giá 3.000 USD.
"Từ khi cô dâu còn là một bé gái, gia đình của cô đã bắt đầu tiết kiệm mọi thứ để chuẩn bị cho đám cưới. Theo quan niệm truyền thống, không có vàng thì sẽ không có đám cưới", Agarwal chia sẻ.
Theo truyền thống, con trai sẽ luôn là người thừa kế đất đai và nhà cửa. Vì vậy, thứ mà con gái nhận từ gia đình là vàng.