10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về “Tam nông”

Nhiều vấn đề về tích tụ ruộng đất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại triển lãm ngày 27/11. Ảnh: Minh Châu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại triển lãm ngày 27/11. Ảnh: Minh Châu
TP - Ngày 27/11, tại Hà Nội, “Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp (NN), nông dân, nông thôn” tiếp tục diễn ra. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân; từ đó, giúp đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn..

Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, mục tiêu quan trọng nhất của hội nghị này là nhằm cung cấp thêm luận cứ để hoàn thiện báo cáo tổng kết về tam nông. Sau khi nghe ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương báo cáo tóm tắt Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư7 khóa X, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận liên quan vấn đề đất đai, vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, phát huy vai trò của nông dân, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, chuỗi liên kết trong sản xuất...

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh và ThS. Phạm Thị Minh Thủy (Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường), trong 33,1 triệu ha đất đai của cả nước, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đang sử dụng 27,3 triệu ha. Trong 27,3 triệu ha này có 24,4 triệu ha đã được giao cho các đối tượng sử dụng (chiếm 90%), còn lại 10% đang giao cho UBND cấp xã và các tổ chức khác quản lý.

Bộ NN&PTNT cho biết, đến cuối năm 2017, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng những cánh đồng lớn với khoảng 579 nghìn ha, chiếm 3,9% tổng diện tích trồng trọt, hiệu quả kinh tế trung bình tăng 17-25% so với sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ.

Nghiên cứu của PGS.TS Vũ Thị Minh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho thấy, quy hoạch sử dụng đất nông lâm ngư nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển các ngành hàng sản phẩm của nông, lâm, thủy sản, nghề muối và chưa tính tới các biến động của thị trường, nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và quá trình đô thị hóa. Chính sách thu hồi đất nông nghiệp chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo tạo sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất và đang gây ra bất bình ở người dân nông thôn.

“Nhà nước chưa có các chính sách khuyến khích cụ thể để định hướng cho hình thức tích tụ, tập trung đất đai. Trên thực tế đang diễn ra nhiều mô hình, hình thức tích tụ, tập trung đất đai khác nhau nhưng mô hình, hình thức nào mang lại hiệu quả tổng hợp, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường thì chưa có được những đánh giá thấu đáo”, đánh giá của Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường.

Phải sửa chữa khuyết điểm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua thực tế 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 đã khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, mặc dù thiên tai, bão lũ, hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá (GDP bình quân tăng 2,66%/năm; giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm), phát triển ổn định, toàn diện; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Khoảng cách thu nhập giữa người dân ở thành thị và nông thôn được thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008  xuống 1,7 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nông dân nghèo, cơ cực, Thủ tướng đề nghị cần quan tâm giúp đỡ họ tốt hơn.

Bên cạnh kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung tháo gỡ. Đầu tiên là đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp. Số DN trực tiếp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN cả nước (7.600 DN) và chủ yếu DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Cũng theo Thủ tướng, nông dân tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Khoảng 1/2 số hộ gia đình ở nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, tín dụng phi chính thức (tín dụng “đen”) vẫn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn; Áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm NN chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất thô, chưa qua chế biến...

Ngoài ra, theo Thủ tướng, Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực. Tuy nhiên, chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới).

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, kinh nghiệm quốc tế, trong nước và đặc thù nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý, thống nhất cao với quan điểm, định hướng, mục tiêu và các giải pháp trong thời gian tới được đưa ra tại hội nghị.

“Nếu chúng ta còn tinh thần ỷ lại thì không bao giờ thành công. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức. Với các chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng đã và đang thực hiện”, Thủ tướng khẳng định và bày tỏ tin tưởng rằng, nước ta sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông thôn Việt Nam sẽ ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện và đáng sống hơn.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.