Giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 2017:

Nhiều tuyến bài hay, tiêu biểu

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn trao hai giải nhất cho hai loạt bài của báo Tiền Phong và Thanh Niên. Ảnh: Như Ý.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn trao hai giải nhất cho hai loạt bài của báo Tiền Phong và Thanh Niên. Ảnh: Như Ý.
TP - Phát biểu tại Lễ trao  giải báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 2017, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017 nhằm phát hiện, tuyên dương những người làm báo, các tác giả có tác phẩm hay, phản ánh sâu sắc đời sống giới trẻ, thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Điều đáng ghi nhận, có nhiều tuyến bài viết về gương người tốt việc tốt, về thanh thiếu niên tiêu biểu.

Tối 20/6, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ trao giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017. Tham dự buổi lễ có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017 được tổ chức nhằm phát hiện, tuyên dương những người làm báo và các tác giả có những tác phẩm hay, sâu sắc phản ánh sinh động đời sống giới trẻ, thực tiễn công tác đoàn và phong trào thanh niên. Năm 2017, giải thưởng có số tác phẩm và đơn vị tham dự giải nhiều nhất; nhiều đơn vị, tổ chức cá nhân ở nhiều địa bàn cả nước tham gia và cũng là năm có sự đa dạng, nhiều loại hình, thể loại với báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí. “Điều đáng ghi nhận là tuyến bài viết về gương thanh thiếu niên tiêu biểu, gương người tốt việc tốt tham dự chiếm số lượng lớn với gần 200 bài”, anh Lương nói.

Theo anh Lương, các tác phẩm tham dự giải thưởng đã phản ánh toàn diện, đa dạng và có chiều sâu về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở khắp các vùng miền, lĩnh vực; phong phú về chủ đề, đa dạng về loại hình, sâu sắc về nội dung, trau chuốt về hình thức. Từ đi sâu phản ánh các phong trào hoạt động, việc triển khai các chương trình, đề án của tổ chức Đoàn từ trung ương tới cơ sở; phản ánh gương thanh niên tiêu biểu, tấm gương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống tiêu cực ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Những tấm gương đang âm thầm vượt qua khó khăn, thách thức,vững niềm tin, mang sức trẻ, nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; từ phát hiện những mô hình nghiên cứu, sản xuất sáng tạo của các gương thanh niên tiêu biểu; phát hiện, phản biện những vấn đề còn tồn tại của tổ chức Đoàn... tới những vấn đề mang tầm vĩ mô, có tính định hướng, giáo dục thanh niên sống có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão để vươn lên làm chủ tương lai. Qua đó gợi mở để tổ chức Đoàn các cấp, các cơ quan chức năng tìm lời giải phù hợp. Một số tác phẩm có sức lan tỏa lớn, tạo ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc và khán thính giả.

Viết về thanh niên, thấy chính mình trong đó

Chia sẻ tại lễ trao giải, nhà báo lão thành Hà Đăng cho biết, dù ở các thế hệ khác nhau, lớp báo chí đi trước và thế hệ nhà báo hiện tại đều có điểm chung ở hai phẩm chất chính trị và đạo đức. Theo nhà báo Hà Đăng, phẩm chất chính trị như Bác Hồ đã nói, phải xác định viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì và như thế nào. “Phẩm chất chính trị là trung thành với lý tưởng cách mạng, phục vụ nhà nước, nhân dân, phục vụ cách mạng”, ông Đăng nói. Cùng với đó, nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh về phẩm chất đạo đức, phải có tâm, có tài, có đức. Phải có đạo đức nghề nghiệp, trung thành với sự nghiệp cách mạng, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và làm thế nào để viết được những bài báo hay, sâu sắc.

Được trao giải nhất với loạt bài Đứng dậy từ vùng biển chết, phóng viên Nguyễn Phúc, báo Thanh niên chia sẻ, sau sự cố biển miền Trung, nếu có dịp vào đây, nhìn thấy biển vắng lặng, những con tàu nằm bờ, và những người ngư dân không biết làm gì để bám biển, sẽ thấy những thanh niên như những đốm sáng, vươn lên kiếm kế sinh nhai cho bản thân, cho gia đình và người khác. “Họ không muốn biển chết. Họ đang không ngừng nỗ lực vì biển đảo Việt Nam luôn trong trái tim của họ, trong trái tim người trẻ”, anh Phúc khẳng định. Trong khi đó, chia sẻ về lý do làm các chương trình về đời sống giới trẻ, nhà báo Phương Thảo (Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên) phản đối quan điểm cho rằng, viết báo về thanh niên, giới trẻ là khô cứng, thiếu hấp dẫn. “Vấn đề là tìm được thứ hấp dẫn trong các hoạt động, điển hình của thanh niên và truyền tải thông điệp đến với bạn đọc. Đề tài về thanh niên vô cùng hấp dẫn, nó như một rừng hoa để lựa chọn. Khi viết về thanh niên, chúng tôi thấy chính mình trong đó”, chị Thảo nói.

Tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cùng Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đã trao 2 giải nhất cho loạt bài “Đứng dậy từ vùng biển chết” của báo Thanh niên và Diễn đàn “Facebook và hệ lụy” của báo Tiền Phong. Ngoài ra, báo Tiền Phong còn có thêm một giải Nhì với loạt bài “Những người trẻ Việt Nam làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế”.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Tiền Phong luôn theo đến cùng vụ việc

Nhiều tuyến bài hay, tiêu biểu ảnh 1

Tiền Phong là tờ báo đồng hành cùng tôi suốt quãng đời tuổi trẻ, từ những ngày tháng tôi làm cán bộ chuyên trách công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Việc Tiền Phong có thêm trang điện tử đã giúp bạn đọc có điều kiện tiếp nhận thông tin từng ngày từng giờ.

Điều này cũng rất thuận lợi cho một đại biểu dân cử để theo sát những vấn đề thời sự liên quan đến đời sống nhân dân, kịp thời nắm bắt những biến động kinh tế, sự vận động không ngừng của xã hội.

Cùng với việc theo dòng thời sự thông qua những tin tức mà báo chí phản ánh, những bài viết có tính phản biện khoa học của báo Tiền Phong trước những vấn đề lớn của đất nước cũng trở thành một tư liệu rất quý đối với một đại biểu Quốc hội.  

Có thể nói, nếu xem người dân là những cử tri gắn bó với mình hàng ngày như người thân, có sự chân thành trong trao đổi chia sẻ thì báo chí với tôi lại là đại cử tri. Tôi nhìn nhận báo chí ở rất nhiều vai trò khác nhau, riêng báo Tiền Phong thì còn là người bạn đồng hành cùng tôi trong hành trình làm đại biểu dân cử của mình.

Không ít lần, sự tương tác của tôi với các cơ quan truyền thông về những vấn đề người dân quan tâm như môi trường dân sinh, công tác bổ nhiệm cán bộ...được tôi tổng hợp từ những bài viết phản ánh đầy đủ, đa chiều của báo Tiền Phong. 

 Những thông tin khách quan thông qua những ngòi bút tâm huyết, vững vàng, bền bỉ theo đến cùng sự việc đã cho thấy một báo Tiền Phong không quá ồn ào bằng những tít bài gây sự chú ý, nhẹ nhàng nhưng kiên định, cẩn trọng mà quyết liệt, đấu tranh với cái xấu, tiêu cực đầy gai góc và sắc bén nhưng trên tinh thần xây dựng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đọc Tiền Phong để theo dõi vụ Sơn Trà, Đồng Tâm

Nhiều tuyến bài hay, tiêu biểu ảnh 2
Báo chí chính là cầu nối rất quan trọng giữa Quốc hội, giữa đại biểu với nhân dân, với cử tri, với toàn xã hội.

Tôi hàng ngày phải theo dõi thông tin trên báo chí nhất là lĩnh vực có liên quan tôi theo dõi, liên quan đến các vụ việc mà tôi giám sát. Vụ sân bay Long Thành, Đồng Tâm, xẻ thịt Sơn Trà... Tiền Phong là một trong số những tờ báo mà tôi đọc hàng ngày để cập nhật thông tin.

Đối với tôi, tất cả những thông tin liên quan đến báo chí rất quan trọng, đặc biệt có nhiều thông tin báo chí giúp tôi để tôi yêu cầu các thành viên Chính phủ để xem xét các vấn đề. Ví dụ ngay ngày hôm nay tôi vừa chuyển một yêu cầu đi kèm một cái đơn khiếu nại, liên quan đến trung tâm triển lãm nghệ thuật Vân Hồ của Bộ VHTT&DL. Tôi đã trực tiếp gặp bộ trưởng nói về vấn đề này.

Với Tiền Phong, những vấn đề liên quan tới các dự án BOT tôi rất quan tâm, vì Tiền Phong chính là khởi nguồn vấn đề này và luôn luôn theo đuổi đến cùng.

Luân Dũng

Trăn trở để có diễn đàn chân thực nhất

Diễn đàn Facebook & Hệ lụy ra đời vào thời điểm liên tiếp xảy ra những sự vụ đau lòng của người trẻ liên quan đến mạng xã hội.

Đó là cái chết thương tâm của học sinh Bùi Quang Huy (SN 2000), Trường THCS Âu Lạc (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) thắt cổ tự tử tại nhà vì những hình ảnh Huy bị nhóm thanh niên đánh, làm nhục đăng tải lên mạng xã hội. Clip dài hơn 2 phút được tung lên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh ở TPHCM bị đánh hội đồng dã man, bị nhóm bạn đánh, đấm, dùng đầu gối tông thẳng vào mặt, đạp vào đầu, kéo lê tóc giữa đường và bị bắt liếm chân bạn. Nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn tình cảm. Clip khiến dư luận phẫn nộ, công an vào cuộc điều tra.

Thực tế đó cho thấy bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội đang có những biến tướng quái dị, những trò câu like vô cảm gây ra những hệ lụy khôn lường cho người trẻ. Ban Biên tập báo Tiền Phong mà trực tiếp là Tổng thư ký tòa soạn Lê Minh Toản chỉ đạo Ban Thanh niên xây dựng đề cương triển khai ngay diễn đàn về Facebook nhằm phân tích những mặt trái của mạng xã hội Facebook cũng như đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục tác hại của mạng xã hội tới giới trẻ. Ngay từ những bài báo đầu tiên, diễn đàn đã tạo được ấn tượng đặc biệt, thu hút sự chú ý của độc giả.

Một phụ huynh ở Thanh Xuân (Hà Nội) viết một bài tâm sự dài đầy trăn trở, lo lắng khi chị phát hiện con gái chị dùng 2 tài khoản facebook, một cái add với cô chủ nhiệm, ngôn từ vô cùng ngoan ngoãn. Nhưng ở Facebook còn lại, em hiện nguyên hình là một học sinh rất thiếu văn hoá, với ngôn từ rất tục tĩu dành cho cô giáo chủ nhiệm.

Có những vấn đề, những mặt trái của facebook khiến chính những phóng viên khi cất công tìm hiểu, thực hiện bài viết cũng thấy… “choáng” như: Chợ văng tục chửi bậy trên thế giới ảo, những thánh chửi, những nhóm hội thu hút cả triệu thành viên,...

Đi sâu tìm hiểu mới thấy, thế giới ảo vô cùng phức tạp, khiến không ít bạn trẻ không làm chủ được bản thân, một bộ phận bạn trẻ “bị ngáo facebook”.

Gần một tháng triển khai, diễn đàn Facebook & Hệ lụy đã cung cấp cho độc giả cái nhìn đa chiều về mạng xã hội. Bên cạnh phân tích mặt tiêu cực, diễn đàn còn có những bài phỏng vấn các chuyên gia, người nổi tiếng đưa ra các giải pháp, kỹ năng sử dụng facebook sao cho hiệu quả và vượt qua các cú sốc (nếu có) trên thế giới ảo.

Lưu Trinh

MỚI - NÓNG