Chiều 7/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức Hội thảo “Không khí Sạch - Thành phố Xanh: Cùng hành động để cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội”.
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tại các trục đường giao thông và khu vực xây dựng đang bị ô nhiễm nặng nề về bụi, benzen và tiếng ồn. Tại các làng nghề, ô nhiễm vẫn khá nghiêm trọng. Ở khu công nghiệp, xu hướng ô nhiễm benzen đang tăng (Benzen là một chất lỏng dễ bay hơi, có thể gây ngô độc cấp tính như đau đầu, nôn, tử vong vì suy hô hấp. Hít phải benzen trong thời gian dài làm cho cơ thể bị rối loạn tiêu hóa, xuất huyết trong, thiếu máu nặng).
Đánh giá về ô nhiễm không khí của Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) mới đây công bố báo cáo chất lượng môi trường không khí quý I/2018 ở Hà Nội và TPHCM. Theo báo cáo, Hà Nội trải qua 3 tháng đầu năm 2018 với hàm lượng bụi cao trong không khí. Nếu áp theo Quy chuẩn quốc gia về Chất lượng Không khí xung quanh của Việt Nam, Hà Nội có 49 ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn. Theo hướng dẫn của WHO, Hà Nội có đến 82 ngày tương ứng với 91% số ngày có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn. Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp.
Cũng theo báo cáo của Green ID, chất lượng không khí tại Hà Nội có xu hướng xấu trở lại trong năm 2018 khi số giờ ở mức không tốt cho sức khỏe chiếm khoảng 80% tổng thời gian. Chất lượng không khí được chia làm 5 nhóm tác động đến sức khỏe con người gồm tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại. Trong 3 tháng đầu năm, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở nhóm kém.
Ngoài ra, dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, Green ID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
Lắp thêm 70 trạm quan trắc
Theo bà Lê Thanh Thủy, bên cạnh trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, của Tổng cục Môi trường, Hà Nội mới đây lắp thêm 10 trạm quan trắc không khí. Trong đó 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến. Số liệu không khí hàng ngày đã được cung cấp trên website của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng trạm quan trắc của Hà Nội còn ít, chưa đảm bảo tính đại diện và phản ánh đầy đủ hiện trạng ô nhiễm không khí của thành phố.
Bà Thủy cho biết, thời gian tới, Hà Nội lắp thêm 70 trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đang chậm do nguồn vốn cần huy động là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, trồng thêm cây xanh. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng lộ trình tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là tuyên truyền, đến 2019 sẽ hạn chế tất cả các cơ sở kinh doanh sử dụng bếp than tổ ong, đến năm 2020, toàn bộ cơ sở kinh doanh, hộ gia đình sẽ không dùng bếp than tổ ong. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong cũng phải ngừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Chiến dịch cánh đồng không đốt rơm rạ cũng đang được xây dựng với lộ trình đến 2020, Hà Nội không còn đốt rơm rạ. Hoạt động đốt rơm rạ gây ra lượng lớn bụi PM2.5 trong khi đốt than tổ ong được coi là thủ phạm gây ô nhiễm không khí trong nhà (theo số liệu mới nhất của WHO, ô nhiễm không khí trong nhà khiến 3,5 triệu người tử vong mỗi năm).
Bên cạnh đó, Dự án Không khí sạch - thành phố xanh của nhóm 4 tổ chức phi chính phủ đang được thực hiện, trong đó tiến hành hàng loạt giải pháp như nâng cao năng lực nhận thức về ô nhiễm không khí và sức khỏe môi trường, hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp của thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng gồm các giải pháp xử lý rác thải, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững. Dự án sẽ kéo dài đến 2020.
Theo hướng dẫn của WHO, Hà Nội có đến 82 ngày tương ứng với 91% số ngày có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn. Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp.