Nhiều trẻ em bị xâm hại, nhà trường giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Học sinh tò mò, tự tìm hiểu kiến thức về giới từ rất sớm trong khi cha mẹ lại né tránh, ngại trao đổi với con về chuyện nhạy cảm. Ngày nay, nhiều trường học đã dạy học sinh về giới tính, kỹ năng bảo vệ bản thân ngay từ bậc tiểu học. 

Cha mẹ tránh bàn chuyện khó nói

Nhiều cha mẹ cho biết, họ rất ngại khi trò chuyện với con về dậy thì, kiến thức giới tính. Do đó, dù có tiếp xúc, sinh hoạt gần gũi hằng ngày nhưng chỉ hỏi chuyện con về trường, lớp.

Chị Nguyễn Thu Hà, có con học lớp 5 một trường tiểu học quận Thanh Xuân kể, có hôm con trai bất ngờ hỏi: bao cao su để làm gì vậy mẹ? “Bị hỏi bất ngờ, tôi vô cùng bối rối, không biết phải giải thích thế nào để đầu óc non nớt của con có thể hiểu được. Rồi cũng vài lần con hỏi về chuyện tình cảm trên lớp, bạn này thích bạn kia. Có vẻ như, các con quan tâm chuyện giới tính từ rất sớm”, chị Hà nói.

Không thể giải thích cặn kẽ được mọi chuyện với con, chị Hà đã đến nhà sách, tìm mua các cuốn có kiến thức, nội dung giới tính, tuổi dậy thì, giúp con hiểu về cơ thể… và khéo léo đặt lên bàn học. “Khi mua các sách, mình đều xem qua nội dung, nếu phù hợp mới mua. Trong đó, có những cuốn giải thích khá kỹ về cơ thể, tâm sinh lý khi con bước vào tuổi dậy thì sẽ là những kiến thức rất bổ ích cho con”, chị Hà nói.

Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh cấm tiệt con nhắc đến chuyện giới tính. Nhiều người cho rằng, trẻ nhỏ tuổi, không nên tìm hiểu chuyện yêu đương, giới tính mà nên tập trung vào học tập.

Tuy nhiên, đã có giáo viên chủ nhiệm lớp 4, lớp 5 cảnh báo cha mẹ học sinh trong cuộc họp phụ huynh rằng, vì giao điện thoại cho con quá sớm, trẻ tò mò và tìm hiểu cả “chuyện người lớn”.

“Giờ ra chơi, một nhóm trẻ tụm 5 tụm 7 để xem video có nội dung nhạy cảm bị cô giáo bắt quả tang. Cô đề nghị phụ huynh hạn chế cho con sử dụng thiết bị điện tử thông minh quá sớm và có biện pháp kỹ thuật để giám sát”, cô giáo này nói.

Dạy kiến thức về giới từ sớm

Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) dạy học sinh kiến thức về giới và các bước bảo vệ bản thân khỏi hành vi bị sàm sỡ, xâm hại qua sơ đồ và tranh vẽ. Thông qua các tranh vẽ minh họa và kiến thức ngắn gọn, dễ hiểu, học sinh nhận thức được những nơi tuyệt đối không cho người lạ xâm phạm. Hoặc khi bị kẻ xấu dụ dỗ cần phải làm gì để được bảo vệ.

Trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình (Hà Nội) mới đây đã tổ chức một chuyên đề về giáo dục giới tính, mời chuyên gia đến trò chuyện, giải đáp chuyện khó nói cho học sinh nhỏ tuổi. Qua đó, nhằm trang bị kiến thức cho học sinh về giới tính, kỹ năng bảo vệ bản thân.

Nhiều trẻ em bị xâm hại, nhà trường giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học ảnh 1

Chuyên gia đến trò chuyện, giải đáp chuyện khó nói cho học sinh nhỏ tuổi tại Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội).

Hàng trăm học sinh lớp 5 đã được nghe chuyên gia Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em chia sẻ về dấu hiệu nhận biết tuổi dậy thì, kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng giải quyết tình huống khi bị xâm hại tình dục.

Điều bất ngờ là trong buổi chuyên đề giáo dục giới tính, học sinh rất hào hứng nghe chia sẻ và không ngần ngại đặt những câu hỏi về cơ thể, cách ứng xử với bạn bè, gia đình để chuyên gia giải đáp. Qua đó, các em có thêm kiến thức về giới tính, nhận biết được những thay đổi trong cơ thể. Từ đó, các em có thể ứng xử khéo léo và kìm chế cảm xúc khi tiếp xúc với những người xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, việc giáo dục giới tính cho học sinh thực sự rất cần thiết vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và tương lai của trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020 cả nước ta có hơn 1.500 trẻ em bị xâm hại. Đây là hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm của vấn đề này đối với phụ huynh, thầy cô và các nhà trường.

“Xác định được sự quan trọng của vấn đề giáo dục kiến thức về giới tính từ sớm, ngay trong trường học nên hằng tuần, nhà trường lồng ghép việc giáo dục giới tính cho học sinh qua nội dung các môn học, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội…”, bà Vân Anh nói.

MỚI - NÓNG