Chiều 11/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt đánh giá, chất lượng của đại biểu HĐND ngày càng được nâng cao, tư duy và tính phản biện có chuyển biến.
Theo ông Việt, không phải vì vị trí, vai trò của HĐND thấp mà do bố trí cán bộ không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND chưa chắc đã tốt, có thể dẫn đến rủi ro trong lựa chọn cán bộ.
Theo ông, Đảng có những văn bản, chủ trương thức tỉnh, răn đe đội ngũ cán bộ. “Nhiều tỉnh, thành có nhiều ông làm vương, làm tướng lắm, nhưng bây giờ phải chấn chỉnh, cái đó rất tốt. Tôi thấm thía một số vụ, một số đồng chí lãnh đạo địa phương bị kỷ luật đau lòng lắm. Giở hồ sơ ra, ta không được biết UB Kiểm tra làm như thế nào? Có nơi HĐND còn không biết, UBND không biết, thậm chí có nơi việc đã “tóe loe” ra rồi, buộc HĐND phải hợp thức”, ông Việt chia sẻ.
Cũng theo ông Việt, cái chưa được vừa qua là hiệu lực, hiệu quả HĐND cấp tỉnh, cấp huyện không đồng đều, có tỉnh làm tốt, nhưng có tỉnh làm chưa tốt. Ngoài ra, tính nể nang trong HĐND vẫn còn nhiều. Rồi chất lượng, hiệu quả giám sát cũng cần phải nâng cao hơn nữa, nhất là việc quyết định các vấn đề quan trọng, làm sao cho đảm bảo thực chất.
Cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, vai trò của đại biểu HĐND còn hạn chế, cần xem lại cách tiếp xúc cử tri để tăng cường vai trò của đại biểu. Mặt khác, cần quan tâm đến quy trình ban hành nghị quyết, trong đó có hình thức lấy ý kiến nhân dân.
“Ví dụ như trường hợp BOT Cai Lậy, về quy trình, nếu đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Tiền Giang lấy ý kiến đầy đủ thì tình trạng diễn ra tại BOT Cai Lậy không phức tạp như thời gian vừa qua”, ông Thanh viện dẫn.