Chiều 21/12, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh có 385 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và giữa vùng biển Hoàng Sa- Trường Sa.
Hiện có 30 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới do bão số 14 suy yếu. Các cơ quan chức năng đang và chính quyền địa phương đang phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cũng cho biết, đến chiều 21/12, hai thuyền viên của tàu cá BĐ 40243 TS, công suất 33CV, do ông Huỳnh Văn Đốc (ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Trước đó, ngày 18/12, tàu cá của ông Đốc có 6 ngư dân đang khai thác thủy sản trên vùng biển xã Cát Hải (huyện Phù Cát) thì bị sóng đánh chìm, 4 thuyền viên tự bơi vào bờ, còn 2 thuyền viên bị mất tích.
Chiều 21/12, ông Trần Nhân Nghĩa – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết số tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động trên biển của TPHCM là 12 chiếc với tổng số thuyền viên là 92 người.
Chi cục Thủy sản đã liên tục thông báo tình hình diễn biến của cơn bão số 14 đến các chủ phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển, hướng dẫn thuyền trưởng các tàu di chuyển tàu vào khu vực an toàn, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ tàu, thuyền đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển Đông để xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
Theo ông Nghĩa, TPHCM đã yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai thực hiện Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn, yêu cầu thủ trưởng các sở - ngành - đơn vị TP, Chủ tịch UBND các quận - huyện khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão số 14 (bão Krovanh) theo Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TPHCM.
UBND TPHCM giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tùy theo diễn biến của bão số 14 để quyết định cấm tàu thuyền ra biển hoạt động đánh bắt thủy sản và vận chuyển hành khách trên tuyến biển.
UBND TPHCM yêu cầu Chủ tịch UBND các quận - huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ, chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm... ứng phó bão số 14, nhất là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp.
Chuẩn bị ngay phương án đảm bảo an toàn cho người dân khi bão gây ảnh hưởng đến địa bàn TP. Thông báo cho các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn kiểm tra kho tàng, máy móc, thiết bị để chủ động di dời đến địa điểm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra khi mưa, bão.
Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Công an TP, Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải TP, Lực lượng Thanh niên Xung phong TP, Thành Đoàn TP chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để ứng phó bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.
Sở Công Thương, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân khi bão có khả năng ảnh hưởng TPHCM.
Đài Tiếng nói nhân dân TP, Đài Truyền hình TP, Đài Thông tin Duyên hải TP và các cơ quan thông tấn báo chí TP cập nhật và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin liên tục thường xuyên thông báo diễn biến của bão sổ 14 và chỉ đạo của cơ quan chức năng cho toàn thể nhân dân trên địa bàn TP biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó an toàn, hiệu quả.
Theo bản tin phát lúc 9 giờ ngày 21/12 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo trong 24 giờ tới, bão số 14 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vùng nguy hiểm do bão trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 7,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.