Nhiều rào cản đang bóp nghẹt doanh nghiệp dược trong nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lần đầu tiên, Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp dược trong nước nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang tồn tại. Các đại biểu tham dự đã chỉ ra nhiều rào cản cần được Bộ Y tế và Chính phủ xem xét giải quyết.

Ngày 24/3 tại TPHCM dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cuộc đối thoại giữa Bộ Y tế và đại diện các doanh nghiệp dược đã được tổ chức. Ngoài hàng trăm đại biểu tham dự trực tiếp, buổi đối thoại còn thu hút sự tham dự trực tuyến của hơn 400 đại diện các doanh nghiệp dược.

Nhiều rào cản đang bóp nghẹt doanh nghiệp dược trong nước ảnh 1

Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức đối thoại với doanh nghiệp dược để tháo gỡ khó khăn

Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hóa dược phẩm Mekophar đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp đang phải đối mặt chính là thời gian cấp số đăng ký thuốc.

“Tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều trong tình trạng thiếu số đăng ký từ vài chục đến vài trăm sản phẩm bị hết hiệu lực từ quý 1, quý 2 năm 2022. Theo Luật Dược, thời gian cấp số đăng ký thuốc chậm nhất là 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế mất 2 đến 3 năm doanh nghiệp vẫn chưa được cấp số đăng ký. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đứt gãy hoạt động trong sản xuất, kinh doanh, nguy cơ doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa thậm chí là phá sản, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng” – Bà Lan nói.

Bên cạnh đó, quy định của Bộ Y tế về thuốc kiểm soát đặc biệt là vấn đề được nhiều doanh nghiệp và cả Hiệp hội doanh nghiệp Dược có ý kiến. Hoạt chất của danh mục thuốc kiểm soát đặc biệt bao gồm nhiều mặt hàng được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn và các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, lao, nhiễm trùng ở Việt Nam.

Các bên liên quan cho rằng, việc Cục Quản lý Dược đưa nhiều hoạt chất ở danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi thú y vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt đã gây hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển của ngành dược sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước.

Số lượng doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi quy định thuốc kiểm soát đặc biệt là rất lớn do tất cả các hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và lưu thông, lưu kho, phân phối đều phải tuân thủ quy định kiểm soát đặc biệt. Thực tế trên đã làm tăng chí phí, làm ảnh hưởng đến giá thành, giảm sự cạnh tranh của thuốc sản xuất trong nước so với thuốc nhập khẩu về phân phối. Thủ tục quá phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp trễ đơn đặt hàng vì mất thời gian xin hạn ngạch nhập khẩu.

Đại diện Tổng công ty Dược Việt Nam, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã nêu ra những bất cập trong việc thoái vốn nhà nước. “Từ ngày 26/4/2019 Tổng công ty đã báo cáo Bộ Y tế xin đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, bộ đã có ý kiến đồng ý về chủ trương và yêu cầu phải sớm hoàn thành nhưng từ đó đến nay chúng tôi vẫn chưa được xem xét thực hiện đề án phân phối. Đây là một trong những khó khăn cốt lõi nhất mà chúng tôi gặp phải. Chúng tôi rất mong Bộ Y tế trình Thủ tướng xem xét giải quyết đối với những trường hợp đặc thù tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Nhiều rào cản đang bóp nghẹt doanh nghiệp dược trong nước ảnh 2

Doanh nghiệp dược trong nước đang nỗ lực phát triển nhưng cần được tiếp sức để tạo thế cạnh tranh

Theo ý kiến của ông Trần Tựu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Savipharm: “Chúng tôi không muốn đổ lỗi cho ai nhưng phải tìm cơ chế để giải quyết cấp kỳ bởi sự chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh là những yếu tố giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”.

Trước thực tế được các đại biểu phản ánh, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: “Hiện nay, cục đang được giao làm đầu mối phối hợp với vụ Pháp chế khẩn trương sửa đổi Luật Dược. Theo yêu cầu mới nhất của lãnh đạo Bộ Y tế, chúng tôi sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội nội dung sửa đổi vào tháng 9/2022”.

Theo đó, việc sửa đổi Luật Dược sắp tới sẽ xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến số đăng ký thuốc bao gồm gia hạn thụ động số đăng ký với các số đăng ký thuốc sau 5 năm lưu hành nếu không có phản ứng phụ và những vấn đề đặc biệt sẽ được tự động gia hạn. Cục cũng đang khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin, việc đánh giá hồ sơ sẽ được chuyên gia thực hiện trực tuyến trên internet.

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân đề nghị các đơn vị liên quan ghi nhận những ý kiến phản ánh của đại diện các doanh nghiệp dược, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

MỚI - NÓNG