Vụ cơ sở giữ trẻ hành hạ trẻ em ở Đồng Nai:

Nhiều phụ huynh bàng hoàng

Nhiều phụ huynh bàng hoàng
TP - “Trước đây gia đình chúng tôi  có nghe người dân nói về hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em của chủ cơ sở, nhưng không tin, cho đến khi... xem truyền hình thì mới bàng hoàng, đau xót”.

>> Sẽ dẹp bỏ những điểm trông trẻ không đủ điều kiện

Anh Nguyễn Thanh Hoàng, bố của cháu Nguyễn Hoàng Khánh Vy (3 tuổi) được gửi ở cơ sở giữ trẻ của bà Hoa bức xúc.

Trước sự việc đã diễn ra như vậy, anh Hoàng cũng chỉ biết chờ vào sự phân xử của pháp luật. Theo anh, cần phải nghiêm trị  hành động của những người trên  để còn làm gương cho những cơ sở giữ trẻ khác.

Nhiều phụ huynh bàng hoàng ảnh 1
Bà Hoa cùng những tang vật dùng để đánh trẻ

“Nếu cứ hành xử bằng những hành vi thô bạo thế này với các cháu thì sau này nhân cách của các cháu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh Hoàng nói.

Người dân khu phố 3, cũng đang xôn xao về việc cháu Phan Văn Đạt, con của chị Võ Mỹ Phụng, vì bị bà Hoa đánh và hành hạ cháu trong một thời gian dài mà hiện cháu đang có những biểu hiện tâm lý bất thường.

Cháu biếng ăn, có biểu hiện sợ sệt khi mẹ cho ăn cháo, tính tình dữ dằn hơn trước. Một người dân cho hay, hằng ngày thấy các cháu khóc thét lên, cùng với những tiếng chửi bới của người giữ trẻ, mà thấy xót. Lên tiếng thì sợ... ảnh hưởng, nên đành im lặng.

Trao đổi với Tiền phong về vấn đề trên, bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Mầm non (Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Đồng Nai), rất bức xúc bởi cách hành xử của cơ sở giữ trẻ trên. Bà Ý cho hay, hiện Sở đang gửi văn bản chỉ đạo các phòng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các nhóm trẻ đang hoạt động trên địa bàn, nếu cơ sở nào có biểu hiện vi phạm thì chỉ đạo xử lý ngay.

Bà Ý cho biết, hiện nay trên địa bàn các huyện của tỉnh Đồng Nai (trừ thành phố Biên Hòa) đang có 282 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 79 cơ sở hoạt động không có giấy phép. Theo bà Ý, con số trên cũng chỉ là “đã được báo cáo”, còn những cơ sở hoạt động “chui” có thể còn rất nhiều.

Bà Huỳnh Thị Minh Huệ, cán bộ Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em (UBDS GĐ& TE) thành phố Biên Hòa bức xúc: Hành động trên của cô bảo mẫu đã vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ trẻ em.

Còn bà Lưu Thị Phượng, Phó Chủ nhiệm UBDS GĐ& TE tỉnh Đồng Nai, cho biết, hiện nay tại các khu dân cư ở gần các khu công nghiệp tập trung, thực trạng các đôi vợ chồng công nhân trẻ gửi con tại các nhà trẻ tư nhân không phép đang tồn tại nhiều. 

Tại những nơi này, trẻ không được chăm sóc chu đáo, thiếu thốn về cơ sở vật chất và phương pháp chăm sóc, nghiệp vụ sư phạm. Đối với vụ việc xảy ra tại cơ sở giữ trẻ của bà Hoa, bà Lưu Thị Phượng cho rằng: Trước đó UBDS GĐ& TE đã có văn bản tham mưu  cho UNND tỉnh Đồng Nai về việc tăng cường quản lý các nhóm trẻ trên địa bàn.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, trước khi các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh cơ sở giữ trẻ của bà Hoa bạo hành trẻ em, UBDS GĐ& TE có biết được thông tin này không, bà Phượng nói là không nắm được.

Tiếp xúc với chúng tôi tại buổi làm việc ở Phòng Giáo dục thành phố Biên Hòa, bà Ngô Diệu Thanh, cán bộ Phòng Giáo dục thành phố, phụ trách mảng giáo dục mầm non dân lập cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố Biên Hòa có 120 cơ sở giữ trẻ đang được cấp phép hoạt động, ngoài ra còn có khoảng trên 100 cơ sở đang hoạt động lén lút không có giấy phép.

Theo Nghị định 49 của Chính phủ, quy định  việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thì “trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND các cấp. Trong đó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có quyền xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục (mầm non, phổ thông) trái phép”.

Trong khi đó, tại biên bản kiểm tra ngày 13/11/2007 của các cơ quan gồm: Phòng Giáo dục, UBND phường Quyết Thắng và đại diện người dân, qua kiểm tra cơ sở giữ trẻ của bà Hoa đã phát hiện các sai phạm như: Cơ sở vật chất không đạt tiêu chuẩn, không có giấy phép hoạt động, bảo mẫu không có bằng cấp chuyên môn.

Tuy nhiên, sau cuộc làm việc trên, UBND phường Quyết Thắng vẫn không có động thái nào ngoài... lời nhắc nhở ghi trong biên bản: “Đoàn yêu cầu cơ sở nếu giữ trẻ thì phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ sở vật chất cũng như phần chăm sóc trẻ”.

Đáng lẽ ra, nếu phát hiện sai phạm như vậy thì Ủy ban phường phải thực hiện đình chỉ ngay cơ sở này, vì cơ sở hoạt động hoàn toàn trái với pháp luật. Điều đáng nói, văn bản làm việc trên do chính tay ông Phạm Mạnh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường  ký xác nhận.

Hà Nội: Gần 50% nhóm lớp mầm non đang hoạt động không phép!

Chiều qua (17/1), trao đổi với phóng viên Tiền Phong về tình hình quản lý các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội, một cán bộ có trách nhiệm của Sở GD&ĐT cho biết:

Hiện nhóm lớp được cấp phép mới đạt 51% còn lại là chưa được cấp phép; đối với các trường mầm non ngoài công lập, mới có khoảng 83% được cấp phép hoạt động.  

MỚI - NÓNG