Cùng ngày, giới chức y tế Chi-lê thông báo có thêm 26 ca nhiễm cúm A/H1N1 mới, nâng tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 250 trường hợp. Hầu hết các ca lây nhiễm mới sinh sống ở thủ đô Santiago, nơi có hai bệnh nhân cúm H/H1N1 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Trường hợp còn lại sống ở thành phố Arica thuộc miền Nam.
Riêng trong hai ngày 29-30/5 tại Ca-na-đa có thêm 218 người nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số người bị nhiễm lên 1.336 người. Tại Anh, ngày 30/5 Bộ Y tế xác nhận 11 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 mới trong tổng số 299 người mắc bệnh ở nước này.
Hầu hết các trường hợp nhiễm mới từng đi ra khỏi khu vực mình sinh sống, một trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và 2 trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Bộ Y tế Anh cho biết chiến lược ngăn chặn vi-rút lây lan của nước này đã phát huy hiệu quả và bộ này có đủ khả năng điều trị cho những trường hợp lây nhiễm mới.
Tại Trung Quốc, giới chức nước này ngày 30/5 đã xác nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 mới. Như vậy, tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã có 24 ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 8 người đã khỏi bệnh, số còn lại đang bình phục tốt.
Những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đều được theo dõi nhằm phòng ngừa khả năng nhiễm bệnh. Ngoài phụ nữ 24 tuổi ở thành phố Quảng Châu nghi lây nhiễm do tiếp xúc với một người đàn ông đến từ thành phố New York, Mỹ, toàn bộ 23 ca còn lại đều trở về từ những quốc gia có ổ dịch.
Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân không đến những chỗ đông người, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khi có triệu chứng cảm cúm. Sở Y tế thành phố Bắc Kinh đề nghị những người đi công tác, học tập hoặc du lịch ở nước ngoài trở về nước cần ở nhà trong vòng 7 ngày để theo dõi.