Anh: thêm 3 tuần
Các biện pháp phong tỏa ở Anh được gia hạn thêm ít nhất 3 tuần, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thông báo ngày 16/4. Ông Raab đang tạm thời làm thay công việc của Thủ tướng Anh Boris Johnson vì ông mắc COVID-19, đang trong quá trình hồi phục.
Tại cuộc họp báo chính phủ về COVID-19, ông Raab nói rằng, có các chỉ dấu cho thấy biện pháp phong tỏa đã thành công trong việc giảm sự lây lan của coronavirus mới. Tuy nhiên, tỷ lệ số ca mắc vẫn chưa giảm như mong đợi.
“Lời khuyên rất rõ ràng mà chúng tôi nhận được là bất cứ thay đổi nào xảy ra với các biện pháp giãn cách xã hội của chúng ta hiện nay cũng có nguy cơ gia tăng đáng kể sự lây lan của virus. Điều đó có thể tạo ra đỉnh khủng hoảng thứ hai và khiến số ca tử vong tăng đáng kể. Điều đó sẽ làm tan biến những tiến triển chúng ta đạt được từ trước tới nay và đòi hỏi các biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn trong thời gian dài hơn”, Ngoại trưởng Raab nói.
Tính đến sáng sớm hôm nay (17/4), Anh có 104.135 ca mắc COVID-19 với 13.755 trường hợp tử vong, theo Đại học Johns Hopkins.
Mexico: tới 30/5
Mexico sẽ gia hạn lệnh ở nhà, không ra đường đến ngày 30/5, Thứ trưởng Y tế Hugo López-Gatell thông báo trong một cuộc họp báo hôm 16/4.
Mexico sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giữ an toàn, bao gồm đóng cửa trường học, thực hành giãn cách an toàn, bảo vệ những người có nguy cơ cao mắc COVID-19, tử vong.
Riêng tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp, các biện pháp giữ an toàn sẽ được gia hạn đến ngày 17/5. “Ngày 1/6, chúng ta sẽ hồi phục dần theo một cách có tổ chức các hoạt động, đời sống kinh tế, xã hội và công cộng”, ông López-Gatell nói.
Tất cả những điều này phụ thuộc vào việc người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp giữ an toàn hay không.
Tính đến sáng sớm ngày 17/4, Mexico có 5.847 người mắc COVID-19 và 449 ca tử vong, theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
7 bang ở Mỹ: tới 15/5
Bảy bang ở đông bắc nước Mỹ ngày 16/4 gia hạn lệnh phong tỏa để khống chế đại dịch COVID-19 tới ngày 15/5, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị nêu chi tiết về kế hoạch chấm dứt phong tỏa ở những bang ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm nhất là vào ngày 1/5.
Ngoài 7 bang thuộc bờ biển phía Đông, 3 bang ở bờ biển phía Tây đã thành lập một liên minh tương tự để điều phối việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội. Mười bang này chiếm tới 38% nền kinh tế Mỹ.
Ngày 16/4, Thống đốc bang Wisconsin, ông Tony Evers, quyết định gia hạn lệnh ở nhà tới ngày 26/5, đồng thời nới lỏng một số hạn chế đối với hoạt động kinh doanh. Ví dụ, các sân golf được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tất cả các trường học phổ thông cả trường công và trường tư vẫn đóng cửa cho đến hết năm học.
Cùng ngày, Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, quyết định gia hạn lệnh ở nhà thêm 2 tuần nữa dù các ca lây nhiễm đang có xu hướng giảm.
Các lệnh hạn chế đi lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng ở mức độ chưa từng thấy kể từ thời kỳ Đại suy thoái gần một thế kỷ trước.
Ngày 16/4, Bộ Lao động Mỹ thông báo, tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 5,2 triệu, nâng tổng số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng qua lên hơn 20 triệu.
Tính đến sáng sớm ngày 17/4, Mỹ có 641.166 ca mắc COVID-19 (cao nhất thế giới) và 31.590 trường hợp tử vong, gồm 10.899 ca tử vong ở thành phố New York, theo Đại học Johns Hopkins.
Ở bang Ohio, trong tổng số 8.414 ca mắc, có tới 1.729 người là nhân viên y tế, chiếm 21%. Có tới 826 ca được phát hiện ở các cơ sở chăm sóc lâu dài.
Bồ Đào Nha: thêm 15 ngày
Như Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa thông báo hôm 18/3, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp dẫn tới việc hạn chế người di chuyển và hàng ngàn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đặc biệt là khu vực khách sạn, nhà hàng.
Sắc lệnh mới của tổng thống cho phép một số loại hình dịch vụ và doanh nghiệp mở cửa trở lại một cách dần dần. Tuy nhiên, sắc lệnh này không nêu rõ đối tượng và thời gian thực hiện.
Tính tới sáng sớm 17/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Bồ Đào Nha đã tăng lên 18.841 với 629 người tử vong. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nước láng giềng Tây Ban Nha với 182.816 ca mắc (cao thế nhì thế giới, sau Mỹ) với 19.130 trường hợp tử vong, theo Đại học Johns Hopkins.
Ngày 15/4, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nói rằng, chưa đến lúc để tái mở cửa nền kinh tế “một cách từ từ và tăng tiến”.
Thành phố Portimao ở miền nam Bồ Đào Nha và quần đảo Madeira tuyên bố, từ tuần tới, họ sẽ phân phát 250.000 chiếc khẩu trang cho cư dân, sau khi giới chức y tế đầu tuần này thông báo, họ đang cân nhắc việc ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian đóng.
Sự bùng phát đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành kinh tế của Bồ Đào Nha lao đao vì kinh tế nước này dựa chủ yếu vào du lịch và xuất khẩu. Khoảng 80% số công ty Bồ Đào Nha vẫn hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa nói rằng, doanh thu của họ giảm mạnh, có lúc giảm tới 75%.