Nhiều nước chao đảo vì COVID-19, Việt Nam có điều 'đặc biệt' với số người cách ly

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 485.318 ca mắc COVID-19 và 7.248 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh vượt ngưỡng 50 triệu, trong đó có trên 1.255.000 bệnh nhân không qua khỏi. Nước Mỹ và châu Âu chao đảo trong làn sóng dịch mới. Tại Việt Nam có sự ghi nhận 'đặc biệt' là 3 ngày qua dù có ca nhiễm mới nhưng không có thêm người nào phải cách ly.

Dự kiến cuối năm 2 đơn vị của Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người

Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1.213 ca mắc COVID-19.

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 1070 ca.

- Số ca tử vong: 35 ca

Số người cách ly: 14.064 người.

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 209 người.

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.926 người.

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 929 người.

Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 519 ca.

Tính đến 9h ngày 7/11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 82 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 99 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Về nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, thời gian nghiên cứu, phát triển một vắc xin bình thường kéo dài 5-10 năm để xem vắc xin đó có tác dụng phòng bệnh không, trong bao lâu, có tác dụng phụ gì.

Hiện nay trên thế giới đang cấp tập nghiên cứu vắc xin COVID-19, trong đó có trên 150 ứng viên, Việt Nam có 4 ứng viên. Có 32 vắc xin đã tiến hành thử nghiệm trên người trong đó có 10 vắc xin đã thử nghiệm vòng 3 với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn người. Trung Quốc có 4 vắc xin, Mỹ có 4 vaccine, Nga có 1 vắc xin, Anh có 1 vắc xin.

Trong 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vắc xin.

Mua vắc xin nước ngoài cũng không kém phần khó khăn. Đây là vấn đề nóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Vắc xin toàn cầu đã thành lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vắc xin giá rẻ, nhưng hiện chưa có công ty sản xuất vắc xin nào cam kết bán cho chương trình này.

Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả các đối tác nhưng việc mua vắc xin sớm không hề dễ khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch...

Thế giới vượt 50 triệu người mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 9h ngày 8/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 50.247.297 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.255.628 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 35.541.274 người.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (113.302 ca), Italy (39.811 ca) và Ấn Độ (39.118 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 989 ca), tiếp theo là Mexico (551 ca) và Ấn Độ (529 ca).

Xét theo khu vực, châu Á tiếp tục là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (hơn 14,2 triệu ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu. Với hơn 11,9 triệu ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Âu với 11,7 triệu ca và Nam Mỹ với gần 10 triệu ca. Châu Phi (hơn 1,8 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 40.000 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tình hình dịch COVID-19 tại "điểm nóng" châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Ngày 7/11, Ba Lan thông báo có thêm 27.875 ca mắc và 445 ca tử vong liên quan đến COVID-19, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại nước này. Hiện số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 500.000 ca trong bối cảnh các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Mỹ: Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 243.1215 ca tử vong trong tổng số hơn 10.165.626 ca nhiễm. Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày tổng tuyển cử 3/11. Liên tiếp những ngày qua, Mỹ ghi nhận các kỷ lục lây nhiễm mới và lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, nước này trải qua một loạt ngày có số ca nhiễm mới đều ở mức trên 100.000.

Tại Đức, nước này thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 23.399 ca lên 642.488 ca. Số ca tử vong cũng tăng 130 ca lên 11.226 ca. CH Séc có thêm 11.547 ca mắc và 196 ca tử vong, nâng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 403.479 người và 4.330 người. Hungary cũng thông báo thêm 107 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc mới tăng thêm 5.318 ca. Hiện số ca mắc tại Hungary là 104.943 ca, trong đó có 2.357 ca tử vong và 5.612 bệnh nhân phải nhập viện.

Trong khi đó, do dịch COVID-19 bùng phát tại các trang trại nuôi chồn hương ở Đan Mạch. Ngày 7/11, Anh đã quyết định cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Đan Mạch. Lệnh cấm nhập cảnh này có hiệu lực ngay lập tức. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một số loài động vật cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và một số trại chăn nuôi chồn ở Hà Lan và Tây Ban Nha cũng đã báo cáo một số trường hợp mắc bệnh. Trong tuyên bố mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hiện đã có 6 nước ghi nhận các ca mắc COVID-19 có liên quan tới các trang trại nuôi chồn gồm Mỹ, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Tại châu Á, Ấn Độ đang chứng kiến xu hướng dịch thuyên giảm với 39.118 ca nhiễm mới và 529 ca tử vong trong 24 giờ qua. Con số ca bệnh tại nước này đã cán mốc 8,5 triệu người, trong đó có 126.134 trường hợp tử vong và 7.860.171 bệnh nhân đã khỏi.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Philippines và Malaysia đang là các "điểm nóng" dịch COVID-19. Ngày 7/11, Indonesia ghi nhận 4.262 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 433.836 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 98 ca lên 14.540 ca.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.