Nhiều nhà hát xuống cấp, nhiều nơi có rạp hát nhưng chưa khai thác hiệu quả. Ảnh: Trọng Quân |
Lãng phí
Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội có tới 20 nhà hát. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý 12 nhà hát, 6 nhà hát do Sở VHTT Hà Nội quản lý, chưa kể một số nhà hát thuộc các bộ, ngành. Một số nơi nghệ sĩ kể khổ “không có nhà để hát”, nhưng nhìn chung lại có hiện trạng vừa thừa, vừa thiếu. Một số nhà hát thường xuyên để rạp đóng cửa, hoặc cho thuê địa điểm cho mục đích phi nghệ thuật. Nhiều sân khấu vẫn đìu hiu, vắng khách vì cơ sở vật chất xuống cấp.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư (LLPBVHNT) cho rằng, khi đề xuất xây dựng nhà hát điều đầu tiên cần quan tâm đến chức năng - nơi công diễn, biểu diễn, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là vừa thiếu, vừa thừa nhà hát.
“Câu chuyện nhà hát không có nhà để... hát tồn tại từ lâu. Nhà hát vừa để chỉ đơn vị nghệ thuật, cũng bao hàm thiết chế văn hoá - địa điểm để biểu diễn nghệ thuật. Đây không chỉ là câu chuyện ở trung ương mà còn diễn ra phổ biến ở các địa phương”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu.
Nhà hát Kịch Việt Nam được coi là “cánh chim đầu đàn”, “anh cả đỏ” trong làng kịch nghệ cũng chỉ có khả năng phục vụ tối đa gần 200 khách trong một buổi biểu diễn. Rạp hát khiêm tốn nằm ở số 1 Tràng Tiền, ngay sau lưng Nhà hát Lớn. Trong thời hoàng kim của sân khấu, Nhà hát Lớn chính là địa điểm biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Dù không gian hạn chế, Nhà hát Kịch Việt Nam mỗi tháng vẫn duy trì sức hút với cả chục suất diễn tại rạp số 1 Tràng Tiền. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Rạp của Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Tuổi trẻ khấm khá hơn với khoảng 300-500 chỗ ngồi. Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cũng là một trong những địa điểm sáng đèn khá thường xuyên vào cuối tuần, cao điểm hè và một số dịp lễ tết. Một số đơn vị như Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam hay Nhà hát Cải lương Việt Nam kém may mắn hơn vì chịu cảnh chạy vạy thuê địa điểm bên ngoài (Hồng Hà, Âu Cơ…) để biểu diễn, do không có rạp hát riêng.
Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội có trụ sở ở quận Đống Đa. Dù là nhà hát nhưng không có sân khấu, khán đài và những tiếng vỗ tay của khán giả. Nơi luyện tập cũng xuống cấp, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tối thiểu cho những tiết mục đòi hỏi độ khó cao. Lãnh đạo nhà hát xác nhận trụ sở ở phố Thái Thịnh chỉ là nơi nghệ sĩ tập luyện qua ngày.
“Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội là công trình cũ, xập xệ. Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long cũng không có rạp biểu diễn, chỉ là nơi dàn dựng tiết mục. Những địa điểm này cần xây mới thành rạp hoặc kết hợp nhiều chức năng trong một công trình. Nâng cấp các nhà hát đã cũ thành hệ thống thiết chế văn hoá của Thủ đô là việc làm cần thiết”, ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội nói.
Nhà hát Cải lương Việt Nam từng trải qua thời gian dài không đủ điều kiện đón khán giả vì không gian chật hẹp. Các nghệ sĩ vẫn đều đặn mỗi năm dàn dựng 2 vở diễn theo kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cùng nhiều chương trình xã hội hóa, song phải đi thuê rạp với chi phí 30-40 triệu đồng/đêm để phục vụ khán giả.
“Nhà hát Cải lương Việt Nam được coi là đoàn nghệ thuật về cải lương hàng đầu phía Bắc, đang duy trì hoạt động khá tốt. Tuy nhiên do trụ sở của nhà hát Cải lương Việt Nam ở phố Hồng Mai chỉ có sân khấu rất bé, không đủ để biểu diễn, mỗi lần công diễn tác phẩm mới, đơn vị nghệ thuật này phải đi thuê rạp khác”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT T.Ư cho biết.
Không tính địa điểm sáng đèn nhờ cho thuê tổ chức sự kiện như Nhà hát Lớn, phần đông các rạp hát đều rơi vào tình trạng đìu hiu. Rạp Kim Mã thuộc sở hữu của Nhà hát Chèo Việt Nam được tu sửa vào năm 2018, có hơn 500 chỗ ngồi, ghế bọc nhung sang trọng. Tuy nhiên tỷ lệ sáng đèn của rạp hát ở vị trí khá trung tâm này rất hạn chế.
Trường hợp đặc biệt sáng đèn quanh năm
Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị duy nhất sáng đèn suốt năm, có những thời điểm hằng ngày đều đặn 4-5 suất diễn. NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, tháng 4/2023 nhà hát thu 3,6 tỷ đồng với 117 buổi biểu diễn bán vé (9 buổi không bán vé). Doanh thu tháng 5 sụt giảm, chỉ còn 2,2 tỷ đồng cho 103 buổi diễn có bán vé. Thống kê của ngành du lịch cho thấy sự sụt giảm gần 7% số lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Khách quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vé bán ra của nhà hát.
Dù là niềm mơ ước của các nhà hát, tuy nhiên cơ sở vật chất của Nhà hát Múa rối Thăng Long có một số hạng mục xuống cấp, đặc biệt là khán phòng. Ghế ngồi quá nhỏ (phù hợp với trẻ em) so với mục tiêu phục vụ khách quốc tế. Ban lãnh đạo Nhà hát đang xin cơ chế cải tạo cơ sở vật chất khang trang hơn để tương xứng với vị trí đắc địa ngay cạnh Hồ Gươm.
Nguyên Khánh
Nâng cấp thiết chế sẵn có
Ông Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc cho rằng, các nhà hát ở Hà Nội hay TPHCM không ít. “Ở Hà Nội, ngoài Nhà hát Lớn còn có Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Âu Cơ… cũng khá to đẹp, bề thế. Chưa kể, Trung tâm Hội Nghị Quốc gia có 3.000 chỗ ngồi xem biểu diễn. Nhiều nơi có hội trường lớn sang trọng. Thực tế cho thấy nhiều nhà hát chưa hoạt động hết công suất hoặc bỏ không thời gian dài rất lãng phí”, ông Nguyễn Thế Khoa nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, để giải quyết vấn đề vừa thừa, vừa thiếu nhà hát không chỉ giải quyết nhu cầu xây dựng nơi biểu diễn mới mà còn cần tính toán kỹ lưỡng, xem xét nhiều yếu tố. “Mỗi năm để có tác phẩm, vở diễn chất lượng, lấp đầy khán phòng nhà hát thực sự khó khăn. Vì thế, các nhà hát dù được đầu tư nhưng thời gian sử dụng không nhiều, thời gian nhàn rỗi trong năm lớn gây ra sự lãng phí”, ông Nguyễn Thế Kỷ nêu.
Các nhà quản lý, nghiên cứu đồng thuận về giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng lãng phí rạp hát. Khi đầu tư, xây dựng nhà hát điều cần quan tâm nhất là hiệu năng, hiệu quả sử dụng của công trình. Đồng thời, chất lượng các tác phẩm, vở diễn của các nhà hát cần được đầu tư, thay đổi, nâng cao chất lượng để lôi kéo khán giả đến rạp hát. “Người dân không ưu tiên việc đến nhà hát để thưởng thức nghệ thuật. Họ có quá nhiều lựa chọn từ những chương trình truyền hình, phim truyện mang tính chất giải trí nhiều hơn các tác phẩm có hàm lượng nghệ thuật cao”, ông Kỷ nêu.
Sân khấu thua thiệt một phần vì chưa được quảng bá trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh, đặc biệt là mạng xã hội. Dịch COVID-19 vừa rồi cũng tạo ra sự thay đổi đáng kể trong tư duy quảng bá, tiếp thị tác phẩm của nhiều nhà hát truyền thống nhằm đưa tác phẩm đến gần công chúng hơn.
Nhìn vào hệ thống thiết chế nhà hát hiện có, ông Trương Minh Tiến cho rằng, các chương trình nghệ thuật lớn, mít tinh kết hợp biểu diễn vẫn có thể tổ chức ở Nhà hát Lớn, Trung tâm Hội nghị quốc gia. Các địa điểm biểu diễn vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng đang có, tuy nhiên cần khảo sát, nâng cấp. “Các nhà hát hiện có cần được khảo sát tổng thể. Địa điểm nào xuống cấp, công năng sử dụng không hợp lý cần cải tạo lại. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, nội dung chương trình phải được chú trọng để hấp dẫn khán giả”, ông Tiến nêu.