Nhiều người ủng hộ hôn nhân không khuôn mẫu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiến dịch “Tôi đồng ý” 2022 (diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12) do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBTI+ (đồng tính, song tính, chuyển giới; hiện đã phát triển thành LGBTQI+ với nhiều đối tượng hơn) tái khởi động với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu” đã thu hút nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo… có sức ảnh hưởng tham gia.
Nhiều người ủng hộ hôn nhân không khuôn mẫu ảnh 1

Giới trẻ xuống đường ủng hộ cộng đồng LGBT

“Tôi đồng ý”

Nhà báo Trương Anh Ngọc khẳng định: “Ủng hộ cộng đồng LGBT mưu cầu hạnh phúc là chuyện đương nhiên. Tôi rất hy vọng sẽ có một thời điểm những người LGBT làm thể thao cũng có thể thoải mái được là chính mình và tất nhiên là chúng tôi sẽ ủng hộ nhiệt tình”.

Diễn viên Hồng Ánh thì “Khi những người đồng tính được chấp nhận, được tự do kết hôn cùng giới, họ sẽ còn tự tin hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng, và còn cống hiến nhiều hơn trong việc phát triển xã hội, kinh tế của Việt Nam”.

Hoa hậu Khánh Vân bày tỏ: “Vân cảm nhận được rằng tình yêu là không phân biệt bất cứ thứ gì, kể cả tuổi tác, màu da, giới tính, khoảng cách địa lý… quan trọng là con tim chúng ta đang hướng về ai. Dù khác biệt thế nào, chỉ cần bạn hạnh phúc thì Vân sẽ luôn luôn ủng hộ”.

NSND Kim Xuân cho biết bà hết mình ủng hộ quan điểm hôn nhân không khuôn mẫu và mong mọi người ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn về tình yêu và hôn nhân để tìm thấy hạnh phúc đích thực.

NSND Bạch Tuyết cũng rất cởi mở với xu hướng hôn nhân này: “Hôn nhân thời đại mới không chỉ đơn giản là để sinh tồn và phát triển nòi giống như xưa. Hôn nhân thời đại 4.0 là sự kết hợp giữa hai tâm hồn, hai thể chất, hai trí tuệ để sáng tạo ra những giá trị có ích cuộc đời”.

“Anh Chánh Văn” Hoàng Anh Tú kêu gọi: “Nếu như chúng ta thông qua được hôn nhân cùng giới, thì chúng ta có thể thay đổi luôn cả những nhận thức bất bình đẳng giới ngay cả trong hôn nhân khác giới đang gặp phải”.

Được biết, trong thời gian sắp tới, ban tổ chức sẽ giới thiệu hàng loạt chương trình hướng đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội như: tua nói chuyện với sinh viên 10 trường đại học, ra mắt cuốn sách đầu tiên về hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, công bố những nghiên cứu mới nhất về những tác động tích cực của việc hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới đến nền kinh tế và xã hội.

Văn bản quý giá của Bộ Y tế

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể “chữa” và cũng không cần “chữa” thì đến ngày 3/8 vừa rồi, Bộ Y tế đã có văn bản số 4132 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bộ cũng như y tế các bộ, ngành về việc chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Theo văn bản này, thời gian gần đây Bộ Y tế nhận được thông tin phản ánh về việc hiện nay một số cơ sở khám, chữa bệnh và một số bác sĩ tự nhận là chữa khỏi “bệnh đồng tính”.

Do vậy, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu khi tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kì thị. Đặc biệt, không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh. Không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.

Vừa qua, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới; hiện đã phát triển thành LGBTQI+ với nhiều đối tượng hơn) ở Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ vì chiến dịch “Tôi đồng ý” - thu thập 250.000 chữ ký ủng hộ hôn nhân cùng giới. Cùng thời gian, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh... đặc biệt nhấn mạnh việc không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh.

Đối với những người LGBT, động thái này của Bộ Y tế là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự tồn tại bình đẳng của cộng đồng này, và hơn hết, gián tiếp “bẻ” lại các quan niệm sai lệch trước đó: đồng tính là do đua đòi, nhận thức lệch lạc, méo mó, trái tự nhiên, bệnh hoạn v.v...

“Tôi thì từ lâu không quan tâm đến những kỳ thị của những người xung quanh với mình. Môi trường làm việc của tôi cũng rất cởi mở, nhưng nhiều bạn bè của tôi thì không may mắn như vậy. Hy vọng sau đợt này, cuộc sống của những người LGBT sẽ dễ thở hơn” - kiến trúc sư Trần Quang Huy chia sẻ.

Nhiều người ủng hộ hôn nhân không khuôn mẫu ảnh 2

Các nghệ sĩ hưởng ứng chiến dịch “Tôi đồng ý”

“Xã hội Việt Nam thừa nhận sự tồn tại bình đẳng của những người LGBT hơi muộn. Trong khi từ mấy chục năm trước, Karl Lagerfeld (nhà thiết kế huyền thoại của nhà mốt Chanel & Fendi) đã rất cởi mở về vấn đề này. Câu chuyện của ông đã cứu vớt rất nhiều người, trong đó có tôi. Karl nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi hỏi mẹ đồng tính là gì. Mẹ tôi nói, “Giới tính cũng như màu tóc vậy. Vài người tóc vàng và vài người thì tóc đen, đó không phải là vấn đề”. Nhưng muộn còn hơn không. Tôi hy vọng sau khi công nhận đồng tính không phải bệnh, chúng ta cũng sẽ thông qua luật chuyển giới và kết hôn cho người đồng tính”, nhà thiết kế Lan Mia cho biết.

Năm 2015, Bộ luật dân sự đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính tại điều 37 tuy nhiên vẫn khá sơ khai và thiếu cụ thể, gây nhiều khó khăn trong việc các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Mới đây, Quốc hội đã đưa ra dự thảo luật chuyển đổi giới tính gồm các nội dung đáng chú ý như sau:

Người chuyển đổi giới tính được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính...

Ngoài ra dự thảo luật cũng quy định rõ các điều kiện để thực hiện các quyền chuyển đổi giới tính; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, các hình thức cần thiết và làm việc với cơ quan chức năng để chuẩn bị cho việc chuyển đổi giới tính trên thực tế; khi đã chuyển đổi giới tính thành công, mọi người được cập nhật các giấy tờ tùy thân, hộ tịch và có thể kết hôn theo quy định pháp luật.

(Theo luật sư Nguyễn Thanh Thủy - Đoàn luật sư Hà Nội)

Điều tốt nhất với chúng tôi là đừng chú ý!

Showbiz Việt thời gian gần đây có hai chuyện thu hút sự chú ý của cộng đồng LGBT. Thứ nhất là việc cặp đôi Thanh Hà – Phương Uyên công khai chuyện tình đồng giới và công bố kế hoạch kết hôn tới người hâm mộ. Thứ hai là nhạc sĩ Vũ Cát Tường chính thức lên tiếng công khai xu hướng tính dục của mình bằng lời khẳng định “Yes. I’m Gay” (Vâng. Tôi là Gay). Vũ Cát Tường cho biết mình muốn xây dựng tổ ấm với một người con gái, sẽ lấy vợ khi tìm được đối tượng thích hợp.

Hành động come out (thuật ngữ của cộng đồng LGBT chỉ hành động công khai giới tính thật) của một số người nổi tiếng không thể phủ nhận đã tiếp thêm động lực cho những người lâu nay không được (hoặc không dám) sống thật với giới tính của mình.

Nhiều người ủng hộ hôn nhân không khuôn mẫu ảnh 3
NSND Kim Xuân ủng hộ quan điểm hôn nhân không khuôn mẫu

Một câu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thời gian này cũng được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn Queer (thuật ngữ tương tự LGBTQI+): “Sự khác thường phải trả một cái giá nào đó, những lườm nguýt, những cái bĩu môi, những ánh mắt thương hại, những căm ghét của người đời. Nhưng chẳng có cái giá nào đắt bằng phải sống như một người khác”.

“Thực ra, chúng tôi không cần thế giới phải cổ vũ thái quá đâu. Chỉ mong mọi người đừng xem chúng tôi là một nhóm người khác biệt và nhìn chúng tôi như thể chúng tôi là những mẩu thừa kỳ dị của thế giới. Cộng đồng LGBT chỉ cần được chấp nhận, thông cảm và đối xử một cách tôn trọng như những người bình thường khác”, nhà thiết kế Lan Mia chia sẻ.

“Mình sẽ không thoải mái khi bước vào một WC dành riêng cho người LGBTQI+, hoặc tham gia vào một lễ hội nào đó để hô hào mình là LGBTQI+... Dù biết chúng ta đang đấu tranh để đòi quyền cho cộng đồng nhưng đôi khi cách tốt nhất lại là đừng quan tâm đến, mà hãy đối xử, cởi mở, chấp nhận cộng đồng như một người hoàn - toàn - bình - thường không có gì khác biệt”, một thành viên của cộng đồng LGBT tâm sự.

MỚI - NÓNG