Nhiều nghi vấn về kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn

Một cây giáng hương cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ ở VQG Yok Đôn
Một cây giáng hương cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ ở VQG Yok Đôn
TP - Sáng 14-5, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Đăk Lăk, trong đó, vấn đề phá rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn trở thành chủ đề “nóng”.

> Bộ NN&PTNT kiểm tra việc phá rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn

Một cây giáng hương cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ ở VQG Yok Đôn
Một cây giáng hương cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ ở VQG Yok Đôn.

Ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc VQG Yok Đôn, cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay, tại đây đã xảy ra 219 vụ vi phạm lâm luật, tăng 51 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Một số tiểu khu bị tác động nằm sát khu dân cư của các xã vùng đệm như tiểu khu 434, 441, 499, 501, 507.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ sống trong vùng đệm và một số ít từ nơi khác đến. Người dân trực tiếp vi phạm hầu hết là dân nghèo bị các “đầu nậu” đứng sau xúi giục, mua sắm phương tiện cho họ phá rừng.

Ông Trưởng cho rằng, áp lực và thách thức giữ rừng ở vườn rất lớn do địa hình vườn tương đối bằng phẳng, chu vi rộng tới 300km, đường tuần tra dài tới 250km và vườn lại nằm gần khu dân cư các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đăk Lăk), Cư Jút (Đăk Nông). Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của vườn chỉ có 168 người (bình quân mỗi người quản lý, bảo vệ 700ha rừng) nên không đủ sức.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc VQG Yok Đôn bị xâm hại có sự “tiếp tay” của một số kiểm lâm. Điển hình, trong mấy tháng qua, hàng trăm cây gỗ quý như giáng hương, căm xe bị lâm tặc “làm thịt” ngay bên đường tuần tra và gần với các trạm kiểm soát, bảo vệ của vườn.

Ông Trần Văn Nhượng, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho rằng: “Kiểm lâm VQG Yok Đôn đông gấp đôi cán bộ huyện nhưng không hiểu sao những năm qua lại không giữ được rừng, trong khi chúng tôi mới ra quân hơn nửa tháng mà đã trấn áp được lâm tặc và thời gian qua giảm hẳn số vụ phá rừng tại vườn. Vì thế, chắc chắn có nhiều cán bộ kiểm lâm vườn tiêu cực, nhiều trạm quản lý bảo vệ rừng của vườn thông đồng với lâm tặc”.

Mới đây, một người dân báo tin cho kiểm lâm vườn rằng lâm tặc đang phá rừng thì trong kiểm lâm lại có người cho lâm tặc số điện thoại của người dân ấy, khiến người này thường xuyên bị “khủng bố” sẽ phá nhà và đánh đập con cái họ.

Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk thắc mắc: “Rõ ràng, các phương thức phá rừng của lâm tặc chúng ta đều hiểu, đều biết. Nhưng vì sao không giữ được rừng? Bao nhiêu phần trăm kiểm lâm tiêu cực và bao nhiêu còn trong sạch?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Chắc chắn có những người tiêu cực, phản bội ở trong rừng. Phải chấn chỉnh triệt để bộ máy vườn, xử lý bằng pháp luật những người làm vô hiệu hóa nỗ lực bảo vệ rừng của chúng ta”.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm tìm giải pháp “cứu” VQG Yok Đôn trước làn sóng phá rừng. Trong đó, làm sạch bộ máy quản lý của vườn là quan trọng nhất. Dự kiến, thời gian tới, kiểm lâm viên sẽ được rà soát và luân chuyển tránh trình trạng bắt tay với “lâm tặc”. Những kiểm lâm bảo kê cho lâm tặc sẽ bị đuổi khỏi ngành, và bị truy tố.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị đã đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và tình hình phá rừng tại VQG Yok Đôn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.