Ai là người đánh trống?
Như Tiền Phong thông tin trong bài “Loại một hồ sơ nghệ sỹ ưu tú vào phút chót” trên số báo ra ngày 17/9, hồ sơ xét tặng của Lê Nguyễn Kiều Anh, Phó Chủ nhiệm khoa Nhạc cụ Dân tộc, trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội bị loại khỏi danh sách trình Thủ tướng do có đơn khiếu nại nhưng vẫn còn cơ hội. Nội dung khiếu nại, chủ yếu là khai man thành tích: Huy chương vàng dàn nhạc năm 1998 được quy đổi trong hồ sơ, không hề có mặt bà Kiều Anh.
Cuộc gặp chiều 16/9, ông Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường đề cập xác nhận của nhạc công trống Nguyễn Ngọc Quyền- cộng tác viên của trường từng thi Hòa tấu và Độc tấu Nhạc cụ Dân tộc năm 1998 về tình tiết nhạy cảm trong hồ sơ và đơn kiện. Phóng viên gặp ông Quyền tìm hiểu thêm.
“Cô Kiều Anh và ông Nguyễn Hữu Hậu (Chủ nhiệm khoa Nhạc cụ Dân tộc) gặp tôi hỏi năm 1998 đánh cái gì, lúc đầu tôi khăng khăng không nhớ. Ông Hậu đưa chi tiết năm 1998 thi ba bài: Chèo cổ, Kỷ niệm không quên và Hội làng. Tôi hỏi đi hỏi lại có chính xác không. Nếu là Kỷ niệm không quên thì tôi đánh trống vì bài đó, ngoài tôi chưa ai đánh trống cả. Bài Hội làng tôi không phải người đánh trống, vì sử dụng đàn tứ bass. Anh Hậu khẳng định tôi đánh trống bài Chèo cổ nữa. Sau, hai người yêu cầu tôi xác nhận nhưng tôi chỉ xác nhận dựa trên cơ sở khẳng định của hai người về ba tiết mục đó”, ông Quyền nói. Ông nói thêm, không hề xác nhận Kiều Anh là người đánh trống, hay tham gia dàn nhạc năm 1998.
Nhiều giáo viên trong khoa, và đa số thành viên có mặt trong dàn nhạc năm 1998 đều xác nhận bà Kiều Anh không tham gia dàn nhạc- nội dung trong đơn gửi đến Bộ VHTTDL. “Tôi chắc chắn Kiều Anh không tham gia dàn nhạc năm 1998”, nhạc công đàn nhị Dương Thùy Anh, thành viên dàn nhạc năm 1998 nói. Hai bức ảnh dàn nhạc dự thi năm 1998 chỉ có tiết mục Chèo cổ (Lới lơ) và Tây Nguyên ngày mùa. Sự mâu thuẫn các tiết mục dự thi này với xác nhận ba tiết mục của ông Quyền cần làm rõ, bởi điều này liên quan đến giá trị 1/3 huy chương vàng của Lê Nguyễn Kiều Anh trong hồ sơ NSƯT.
Có dấu hiệu bao che?
Ông Hoàng lí giải chỉ xét quá trình đóng góp của bà Kiều Anh cho nhà trường giai đoạn sau này, không đề cập giải thưởng năm 1998. “Nhà trường không sai, khi có yêu cầu của Bộ thì trường xác nhận trên cơ sở có chứng cứ chữ ký của thầy Liệt-nguyên hiệu trưởng- và thầy Hậu chủ nhiệm khoa. Việc cô ấy có được giải hay không trường không xác nhận, đó không phải việc của chúng tôi”, ông Hoàng nói. Trường cho biết thời gian làm hồ sơ rất gấp. Đây cũng là điều bị các giáo viên phàn nàn: Thiếu minh bạch, thiếu sự công khai lấy ý kiến ở cấp cơ sở, chỉ đến khi danh sách trình lên Hội đồng cấp Nhà nước thì họ mới được ý kiến.
Về dư luận chủ nhiệm khoa bao che phó chủ nhiệm, ông Hậu phủ định: “Tôi không bao che cho ai cả”. Sao ông xác nhận nhạc công Kiều Anh có tham gia dàn nhạc năm 1998 và có thành tích, dẫn đến cuộc khiếu kiện này? “Tôi chỉ xác nhận cô ấy tham gia các hoạt động nhà trường từ thời gian nào đến thời gian nào, không xác nhận thành tích năm 1998”, ông Hậu nói.
Tuy nhiên, trái với khẳng định này, giấy đề nghị xác nhận của bà Kiều Anh ngày 10/8 có những nội dung: “Năm 1998 trường có cử khoa Nhạc cụ Dân tộc dự Cuộc thi Hòa tấu và Độc tấu nhạc cụ Dân tộc lần I. Tôi có tham gia tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc và đệm cho một số tiết mục độc tấu của cuộc thi này. Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc đã đạt giải dàn nhạc xuất sắc”. Ngoài chữ ký của ông Hậu còn có xác nhận của ông Đoàn Phi Liệt. Sau khi một mực khẳng định chỉ xác nhận thời gian hoạt động chung chung, không xác nhận cụ thể giải thưởng năm nào, ông Hậu nói: “Tôi mệt mỏi rồi, qua việc đó thấy phải rút kinh nghiệm”.
Được hỏi về hình thức xét tặng danh hiệu hiện nay, ông Trần Vũ Hoàng nêu quan điểm: “Xét tặng xưa nay chưa bao giờ đúng hoàn toàn”. Ông lấy ví dụ cha ông- NSND Trần Hiếu, không được đưa vào danh sách xét tặng đợt đầu với lí do thiếu thuyết phục- đi công tác nước ngoài. Sự việc của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chứng tỏ, dư luận lùm xùm về chạy danh hiệu, vận động hành lang mà Tiền Phong nêu trước đó không phải vô căn cứ.