Thưa bà, năm nay, nhiều trường ĐH công lập đã có những hình thức tuyển sinh mới. Bà đánh giá thế nào về sự “chuyển hướng” này?
Nếu được thực hiện một cách thực chất và nghiêm túc thì việc một số trường bước đầu tổ chức những hình thức thi tuyển riêng như phỏng vấn trực tiếp thí sinh là quá trình đổi mới tích cực, cho thấy các trường đang ngày càng đầu tư công sức để đảm bảo chất lượng đầu vào ngày càng tốt hơn. Điều đó cũng phản ánh năng lực tự chủ ngày càng cao của các trường.
Tuy nhiên, hình thức tuyển sinh nào cũng có những mặt hạn chế mà người tổ chức cần thấy trước để lựa chọn áp dụng phù hợp với điều kiện của trường và tính chất của ngành đào tạo; có hướng khắc phục hạn chế ngay từ khâu “thiết kế” những hình thức tuyển sinh mới. Ví dụ, việc phỏng vấn được thực hiện trực tiếp giữa một thí sinh với giám thị, cần có đủ thời gian để đánh giá nên khó thực hiện ở những “vòng ngoài” hoặc ở những trường/ngành có quy mô tuyển sinh lớn. Các giám thị thường là người có quyền quyết định kết quả phỏng vấn, quyết định sự đỗ/trượt của các thí sinh nên các trường cần lựa chọn những người thực sự có kinh nghiệm, khách quan, công tâm… để thực hiện và nên có hồ sơ lưu đầy đủ để đảm bảo trách nhiệm giải trình.
Mùa tuyển sinh 2016 có nhiều trường bổ sung ngành mới. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc mở ngành mới ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động còn có mục tiêu thu hút thêm sinh viên. Ý kiến của bà về nhận định này?
Chúng tôi cho rằng việc bổ sung ngành mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thu hút thêm sinh viên đều là những mục đích tốt, nếu được thực hiện nghiêm túc và chất lượng.
Tuy nhiên, ngành mới phải phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước cũng như của từng lĩnh vực. Ngành mới (và ngành đang đào tạo) phải đảm bảo các điều kiện chất lượng tối thiểu đã được quy định.
Liên quan đến ngành mới, bà có lời khuyên gì cho thí sinh để các em chọn được đúng ngành đáp ứng nhu cầu xã hội mà không bị chọn nhầm bởi những tên gọi “rất kêu”?
Các thí sinh khi chọn ngành nên tìm hiểu kỹ để biết được: ngành mà trường thông báo có được đào tạo hợp pháp không (đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hoặc được các trường tự chủ ra quyết định mở ngành); Ngành đào tạo có phù hợp với khả năng, nguyện vọng, sở trường. Đây là điều kiện quan trọng nhất, nếu chọn ngành không phù hợp thì không chắc thành công, và khi đi làm cũng khó tìm được niềm vui trong công việc.
Trong số những ngành đáp ứng ở mức cao nhất các yêu cầu trên, nên ưu tiên những ngành ở trường mà chương trình đào tạo có quy định rõ về chuẩn đầu ra, vị trí việc làm sau khi học; tức là phải hình dung được sau khi học xong có thể làm gì, ở vị trí nào… ưu tiên ngành có thông tin về nhu cầu, xu hướng tuyển dụng lao động sau khi học.
Ưu tiên chọn những ngành mà website của trường có thông tin rõ ràng về các nội dung cần biết, về trình độ của đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường, về điều kiện học tập và về sự kết nối của nhà trường với thị trường lao động trong và sau đào tạo.
Như vậy, các em không nên chọn ngành theo đám đông hay theo cảm tính mà cần đánh giá đúng mình, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến yêu cầu của ngành học và của trường đào tạo (hình thức tuyển sinh, điều kiện trúng tuyển của các năm trước (nếu có) và các yêu cầu khác).
Cảm ơn bà.