Ngày 4/1, ông Lộc Xuân Nghĩa - Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh vừa gửi tóm tắt kết quả đợt nghiên cứu khảo sát sơ bộ thành phần các loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất trong địa phận VQG, qua đó ghi nhận nhiều loài thú quý hiếm.
Sơn dương - Capricornis sumatraensis. Ảnh VQG |
Theo đó, đoàn công tác Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã đặt bẫy ảnh theo tuyến để ghi lại hình ảnh của các loài ngoài tự nhiên. Trong 47 ngày đặt bẫy ảnh, đoàn công tác đặt 101 thiết bị bẫy ảnh theo tuyến có chiều dài khoảng 268m ở gần suối.
Loài Mang lớn – Muntiacus vuquangensis. Ảnh: VQG |
Dù khảo sát chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ trong thời gian ngắn song đoàn công tác đã ghi nhận tối thiểu 17 loài thú hoang dã khác nhau.
Khỉ đuôi lợn - Macaca leonina. Ảnh: VQG |
Trong đó có loài Mang lớn (tên khoa học: Muntiacus vuquangensis) được Sách đỏ Việt Nam (2007) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN (2021) đánh giá nguy cơ tuyệt chủng lần lượt là Sẽ nguy cấp (VU) và Cực kỳ nguy cấp (CR). Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, loài Mang lớn mới được ghi nhận trở lại bằng bẫy ảnh ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Những hình ảnh do Đoàn công tác Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh ghi lại |
Ngoài ra, một số loài thú quý hiếm khác cũng được ghi nhận như Khỉ đuôi lợn (tên khoa học: Macaca leonina), Sơn dương (tên khoa học: Capricornis sumatraensis).
Một số loài động vật quý hiếm ghi nhận tại VQG |
Kết quả nghiên cứu về đa dạng các loài chim cũng ghi nhận được tối thiểu 10 loài chim khác nhau. Trong đó có một số loài quý hiếm như Gà tiền mặt đỏ đặc hữu Đông Dương (tên khoa học Polyplectron germaini), Khướu đầu đen (tên khoa học Garrulax milleti), Gà lôi trắng (tên khoa học Lophura nycthemera), Gà so họng trắng (tên khoa học Arborophila brun-neopectus).
Đoàn công tác Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đã đặt bẫy ảnh để khảo sát |
Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm trên địa bàn 2 huyện Lắk và huyện Krông Bông thuộc tỉnh Đắk Lắk. VQG này có tổng diện tích gần 59.000 héc-ta, trong đó có đỉnh núi Chư Yang Sin (2.442m) cao nhất hệ thống núi cao cực Nam Trung Bộ. Nơi đây có hàng trăm loài động vật, thực vật đặc hữu, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.