Nhiều loài thông “độc” của thế giới quy tụ ở Đà Lạt

Thông 2 lá dẹt-loài thực vật cổ sinh đang hiện hữu ở Lâm Đồng.
Thông 2 lá dẹt-loài thực vật cổ sinh đang hiện hữu ở Lâm Đồng.
TP - Đà Lạt-Lâm Đồng đã trở thành chiếc nôi của cây thông bởi không chỉ sở hữu các loài thông đặc hữu góp mặt trong quỹ gene thực vật rừng quý hiếm thế giới mà còn trồng thành công nhiều loài thông “độc” trong và ngoài nước.

Đà Lạt đã được vị bác sĩ đồng thời là nhà thám hiểm A.Yersin khám phá năm 1893. Từ những ngày đầu đặt chân đến đây, người Pháp đã chú ý đến rừng thông. Giáo sư Ducampo (Giám đốc Nha Thủy lâm Đông Dương) sớm thành lập Trạm Khảo cứu Lâm học Măng Lin ở Đà Lạt (nay là Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Cam Ly) để khảo nghiệm một số loài cây, nhất là cây lá kim.

Cuối thế kỷ XIX, thế giới sửng sốt khi nhà thực vật học người Đức M.Krempfii phát hiện loài thông 2 lá dẹt trên đỉnh dốc Cổng trời ở độ cao hơn 2.000 m. Loài thông này sau đó được đặt tên là Pinus Krempfii và chính thức công bố là loài đặc hữu của Việt Nam. 

Hai nhà khoa học người Mỹ là Litenle và Krisphind cho rằng đây là giống Ducanpopinus-“hoá thạch sống” của một loài thực vật cổ sinh cùng thời với khủng long. Các loài cây thường phát triển, tiến hoá theo thời gian, riêng thông 2 lá dẹt có thể sinh trưởng bền bỉ hàng triệu năm mà hầu như không có biến đổi nào về gen. Khả năng kỳ diệu ấy hiện đang là một bí ẩn.

Thông 5 lá cũng là một loài không thấy phân bố ở nơi nào khác trên thế giới ngoài Đà Lạt với tên khoa học là Pinus dalatensis Ferre. Loài thông này do bà Y.de Ferre (khi đó là Giám đốc Viện Khảo cứu Lâm học Toulouse Pháp) mô tả và đặt tên. 

Từ năm 1931, các nhà thực vật học nước ngoài đã thám hiểm khám phá một số quần thể thông đỏ Hymalaya (Taxus wallichiana) ở Đà Lạt. Những thập niên gần đây, lá và vỏ của loài thông này trở thành nguyên liệu quý giá để sản xuất Taxol chữa trị ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi...

Sau 100 năm thành lập (1916-2016), Trạm Măng Lin đã trồng thành công toàn bộ 6 loài thông bản địa và đặc hữu của Việt Nam (thông nhựa, du sam do A.Chevalier phát hiện ở Sơn La và Hòa Bình, thông mã vĩ ở biên giới Đông Bắc); đồng thời khảo nghiệm và trồng thành rừng hàng chục loài thông của nhiều nước khác, đặc biệt là Taxus baccata L (thông đỏ châu Âu).

Ở Việt Nam, 90% diện tích thông ba lá phân bố ở Đà Lạt và vùng phụ cận. Các nhà di truyền chọn giống Thái Lan và Đan Mạch đã dày công hợp tác tuyển chọn, thu hái giống thông ba lá trên các cây trội, ưu việt ở Bắc Thái Lan, Bắc Ấn Độ và một số vùng tại Việt Nam như Hoàng Su Phì (Hà Giang), Langbiang (Lâm Đồng) và Bắc Tây Nguyên...để khảo nghiệm, xây dựng Vườn giống quốc gia thông ba lá của mỗi nước tại Trạm Măng Lin và một trạm khác ở Chiang Mai, Thái Lan.

Hầu hết các loài thông ở Đà Lạt-Lâm Đồng có giá trị kinh tế, khoa học cao, nhiều loài còn là nguồn dược liệu quý nên bị khai thác quá mức, mất môi trường sống, có nguy cơ tuyệt chủng. Trong “Kế hoạch hành động bảo tồn thông”, IUCN (Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế) đã xác định Việt Nam là một trong mười điểm “nóng” nhất trên thế giới.

MỚI - NÓNG