Nhiều lo ngại về cách Anh ứng xử với Covid-19

Vương quốc Anh đang bị chỉ trích là phản ứng chưa đủ mạnh trước dịch bệnh.
Vương quốc Anh đang bị chỉ trích là phản ứng chưa đủ mạnh trước dịch bệnh.
TP - Các chuyên gia y tế cộng đồng cùng hàng trăm bác sĩ và nhà khoa học trong và ngoài nước đang thúc giục chính phủ Anh thay đổi chiến lược đối phó dịch Covid-19 vì lo ngại dịch bệnh này có thể được phép tự do hoành hành ở quốc gia này.

Họ nói rằng nước Anh đang quay lưng với các chiến lược đã giúp kiểm soát dịch ở nhiều quốc gia.

Thứ 5 tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng các cố vấn y tế và khoa học của ông thông báo rằng chỉ có những người ốm nặng trong bệnh viện mới được xét nghiệm. Những người khác dù có triệu chứng cũng chỉ cách ly ở nhà trong 7 ngày. Chính phủ Anh ước tính dịch Covid-19 phải 14 tuần nữa mới đạt đỉnh, nên cho rằng áp dụng những biện pháp hạn chế xã hội từ lúc này là bất lợi.

Cấm tập trung đông người sẽ không giúp giảm tình trạng dịch bệnh lây lan, ông Johnson và các cố vấn nói.

Ông Anthony Costello, một bác sĩ nhi khoa người Anh và là cựu giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, nói rằng ông đã gửi thư cho GS Chris Whitty, cố vấn y tế của chính phủ Anh, để kiến nghị phải tiếp tục xét nghiệm trong cộng đồng.

“Các nguyên tắc chủ chốt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là giám sát tích cực. Cần quyết liệt xét nghiệm cho người dân, tìm ra các ca nhiễm, lập tức cách ly, xác định những người tiếp xúc gần và tách họ khỏi cộng đồng. Đó là nền tảng cơ bản để khống chế tình hình”, ông Costello nói. 
Đây là cách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Đài Loan làm để giảm số ca nhiễm.

“Bạn có thể đưa người nhiễm ra khỏi cộng đồng và bảo đảm họ được cách ly. Đó là điều quan trọng - trước khi sử dụng biện pháp tạo khoảng cách xã hội”, báo Guardian dẫn lời ông Costello. 
Chính phủ Anh cho biết sẽ không triển khai xét nghiệm ngoài bệnh viện. “Đối với tôi và những người làm việc tại WHO mà tôi đã trao đổi, điều này hoàn toàn là chính sách sai lầm. Nó có nghĩa là cứ để dịch bệnh hoành hành”, ông Costello nói.

Chuyên gia này cho rằng nước Anh sẽ rơi vào tình trạng như Italy trong vòng 2 tuần tới. 
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần qua bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Anh và các nước châu Âu khác dừng xét nghiệm ngoài bệnh viện và tìm kiếm những người tiếp xúc gần với người bệnh. “Bạn không thể chống virus nếu bạn không biết nó ở đâu. Phải tìm ra, cô lập, xét nghiệm và chữa trị tất cả ca nhiễm để phá vỡ chuỗi lây lan của Covid-19. Mỗi ca chúng ta tìm ra và chữa trị sẽ hạn chế dịch bệnh mở rộng”, ông Tedros nói.

Bà Devi Sridhar, một giáo sư ngành y tế cộng đồng toàn cầu tại ĐH Edinburgh, liệt kê trên Twitter những lý do cần tiếp tục xét nghiệm: “Mọi người có thể thay đổi hành vi dựa trên kết quả họ có nhiễm Covid-19 hay không; phá vỡ chuỗi lây lan; các bệnh viện địa phương có thể lên kế hoạch số bệnh nhân họ cần chữa trị và chăm sóc; để biết các ca nhiễm đang bùng lên ở nơi nào; để đánh giá tình hình dịch nghiêm trọng đến đâu”.

Một nhóm chuyên gia, trong đó có các bác sĩ hàng đầu nước Anh, cũng vừa gửi thư ngỏ lên chính phủ để yêu cầu công bố mô hình hay bất kỳ bằng chứng nào củng cố cho chính sách mà nước này đang áp dụng.

“Cách phản ứng của ngành y tế nước ta với dịch Covid-19 rõ ràng khác với hầu hết các nước trên toàn cầu và ở châu Âu... Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy cách làm của Anh xuất phát từ kinh nghiệm của các nước trong khống chế dịch Covid-19”, bức thư viết. 

Châu Á lo ngại

Đang có lo ngại ở châu Á về khả năng xảy ra một làn sóng lây nhiễm từ phương Tây.  “Một mối bận tâm của chúng tôi đối với những trường hợp như Anh và Thụy Sĩ không chỉ là con số. Các nước đó đã từ bỏ bất kỳ biện pháp nào để hạn chế virus”, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore, ông Laurence Wong, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 15/3. “Nếu không có nỗ lực nào để khống chế dịch, chúng tôi ước tính số ca nhiễm ở các nước đó sẽ tăng mạnh trong những tuần tới”, ông Wong nói. Báo chí Trung Quốc chỉ trích cách Anh và các quốc gia phương Tây đối phó với dịch Covid-19 là kiểu “đầu hàng hoàn toàn”.

MỚI - NÓNG