Nhiều đường phố ở Nha Trang biến thành sông

Nhiều đường phố ở Nha Trang biến thành sông
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hoà cho biết: Đến sáng 4/11, toàn tỉnh đã xác định có 7 người chết, 3 người mất tích, 8 người bị thương. Theo những người sống lâu năm, đây là trận lụt lớn nhất trong nhiều năm qua ở Nha Trang.

Do hoàn lưu cơn bão 11, lũ kết hợp với triều cường đã gây ra ngập lụt cục bộ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ 2h ngày 4/11, nước nguồn đổ về kết hợp với triều cường làm cho toàn bộ đường 20/10 Nha Trang đi các tỉnh phía Nam (đoạn từ Bến xe liên tỉnh phía Nam đến thị trấn Thành, huyện Diên Khánh) chìm sâu trong nước trên dưới 1,5 mét, toàn bộ giao thông trên tuyến bị ách tắc.

Trước đó, nhiều đoạn đường khác trong thành phố cũng bị ngập cục bộ như đường Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Khuyến, Dương Hướng Quyền, nhất là đoạn từ Bến xe phía Bắc tỉnh đến Công ty CP cà phê Mê Trang, khu vực Nam Hòn Khô, Đường Đệ, Phước Long, Vĩnh Nguyên..., nước ngập sâu làm ách tắc giao thông, nhiều nhà dân bị nước tràn vào, người dân phải dùng xuống để làm phương tiện đi lại trên đường phố.

Mưa lũ đã làm gần 17 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, 8 cầu cống đập tràn bị cuốn trôi. Tỉnh lộ 8B thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh tại cầu Sông Chò bị ngập sâu hơn 1,5m; cầu Thác ngựa, Sông Giang đều ngập từ 1m đến 1,2m. Tỉnh lộ 9 bị sạt lở tại km 22, làm chia cắt huyện miền núi Khánh Sơn với các huyện đồng bằng.

Ngay sau khi tan bão, ngành Giao thông vận tải tỉnh đã tập trung phương tiện, san ủi; đến 7h ngày 4/11 đã thông đường. Toàn bộ khối lượng bồi lấp các tuyến đường giao thông lên tới gần 200 mét khối. Mưa lũ còn làm thiệt hại gần 400 ha lúa, mía, hoa màu và ao đìa nuôi trồng thuỷ sản; làm gần 1.600 m đê kè, kênh mương thuỷ lợi bị hư hỏng; làm chìm và vỡ gần 2.200 lồng bè, tàu, thuyền...

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Khánh Hoà đang tập trung khắc phục hậu quả sau bão, dựng lại nhà, sửa chữa cầu đường, nạo vét kênh mương... Từ sáng sớm 4/11, hơn 100 cán bộ, công nhân Công ty môi trường đô thị Nha Trang đã tập trung dọn rác tại bờ biển Trần Phú, số lượng rác thải do bão tấp vào ước lên hàng ngàn mét khối.

Lũ miền Trung : nước ở nhiều sông vẫn đang lên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, lũ hạ lưu sông Thu Bồn và sông Cái Phan Rang đã đạt đỉnh, tại Câu Lâu là 3,09m (lúc 24h ngày 3/11), ở mức BĐ2; tại Hội An: 1,65m (22h/3), xấp xỉ mức BĐ3; tại Phan Rang: 4,43m (1h/04), xấp xỉ mức BĐ3.

Hiện nay, lũ hạ lưu sông Ba đang lên, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Khánh Hòa và Gia Lai xuống chậm, nhưng còn ở mức cao.

Mực nước lúc 4 giờ ngày 4/11 trên một số sông như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,68 m, xấp xỉ BĐ2; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,05m, xuống mức dưới BĐ2: 0,05m; Sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 5,31m, dưới BĐ3: 0,39m; Sông Vệ tại Sông Vệ: 3,90m, dưới BĐ3: 0,2m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa (lúc 1h): 8,72 m, trên BĐ3: 1,22m; Sông Ba tại Ayunpa: 156,95m, trên BĐ3: 1,45m, tại Củng Sơn: 37,65m, trên BĐ3: 4,15m, tại Phú Lâm: 4,65m, trên BĐ3: 1,45m; Sông Cái Ninh Hòa tại Ninh Hòa: 5,47m, trên BĐ3: 0,47m; Sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 11,66m, trên BĐ3: 1,66m; Sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ: 38,04m, trên BĐ3: 0,04m, tại Phan Rang: 3,78m, trên BĐ2: 0,28m.

Theo dự báo của Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến trưa, chiều ngày 4/11, lũ hạ lưu sông Ba có khả năng đạt đỉnh, tại Củng Sơn ở mức 38,0m, trên BĐ3: 4,5m; tại Phú Lâm ở mức: 4,8m, trên BĐ3: 1,6m.

Lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai tiếp xuống chậm và còn ở mức cao. Đến tối 4/11, mực nước các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Ninh Thuận xuống mức BĐ1 – BĐ2; riêng hạ lưu sông Kôn và sông Ba còn trên BĐ3 và ở mức cao.

Tình trạng ngập sâu ở vùng trũng, đồng bằng và sạt lở đất ở vùng núi còn diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.