Hà Nội:

Nhiều doanh nghiệp xả thải trái phép vào hệ thống thủy lợi

Nhà máy bia Hà Nội-Mê Linh thuộc Habeco bị xử phạt vì lỗi không có giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi
Nhà máy bia Hà Nội-Mê Linh thuộc Habeco bị xử phạt vì lỗi không có giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi
TP - Kết quả thanh tra của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, rất nhiều doanh nghiệp vô tư xả thải vào hệ thống thủy lợi trong nhiều năm mà không có giấy phép.

Gần 100% doanh nghiệp thiếu giấy phép xả thải

Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh xả thải các chất độc hại vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, đoàn có buổi kiểm tra với các tổ chức cá nhân trên địa bàn thuộc huyện Mê Linh, Đông Anh. Trong đó có Nhà máy bia Hà Nội-Mê Linh thuộc Habeco bị xử phạt vì lỗi không có giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi theo quy định tại Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Cũng trong đợt kiểm tra này, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội còn phát hiện một số Cty không có giấy phép xả thải vào hệ thống thủy lợi. Đó là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức (đặt trong Khu công nghiệp Quang Minh), Công ty CP VIAN (huyện Đông Anh)…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển thuỷ lợi Mê Linh (đơn vị được thành phố giao quản lý các công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện Mê Linh) cho biết, hiện nay tất cả các công trình thoát nước đều thoát vào công trình thủy lợi, chưa có hệ thống thoát nước riêng. Do đó, gần 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn đều xả thải vào kênh, mương, rạch dùng để tưới tiêu. Ông Minh nói thêm: Nếu doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông thì không cần xin phép, nhưng nếu xả ra công trình thủy lợi thì phải được cấp phép với 2 nội dung đó là: Chất lượng nước thải và số lượng muốn xả.

Cần phân định rõ việc cấp phép

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, đang có sự chồng chéo giữa cấp phép của Sở NN&PTNT với Sở TN&MT. Như Công ty Cổ phần VIAN (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) được Sở TN&MT cấp phép xả thải vào hệ thống thoát nước chung thuộc lưu vực sông Cà Lồ. Thực chất, Cty VIAN xả thải vào một đầm thuộc hệ thống thủy lợi và điểm xả cách sông Cà Lồ 5km.

Tương tự, trường hợp của Nhà máy bia thuộc Habeco được cấp phép xả thải vào hệ thống thoát nước chung thuộc lưu vực sông Hồng. Nhưng thực tế là xả nước thải vào Đầm Và (công trình thủy lợi), điểm xả thải cách sông Hồng hơn 5km. “Cần phân định rõ thẩm quyền cấp phép là của sở ngành nào, để cơ quan chức năng dễ quản lý và cũng để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động xin cấp phép”, đại diện Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Sở TN&MT chỉ chịu trách nhiệm cấp phép về chất lượng nước thải của doanh nghiệp trước khi xả ra môi trường. Sau khi được cấp phép chất lượng nước thải, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm việc với Sở NN&PTNT để được cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi theo đúng quy định thì mới được xả thải.

Thành phố chỉ đạo xử lý ô nhiễm nước kênh Cầu Bây

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các Sở NN&PTNT, TN&MT, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm; Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát, ngăn chặn và xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép vào kênh Cầu Bây.

MỚI - NÓNG