Nhiều điểm chơi Tết ở Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, người dân Thủ đô có nhiều lựa chọn điểm du xuân. Bên cạnh các di tích mở cửa xuyên Tết, các địa điểm công cộng, giải trí ngoài trời góp thêm lựa chọn cho các gia đình trẻ.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn là địa điểm thu hút đông du khách đổ về mỗi dịp lễ, Tết. Chào đón Tết Nguyên đán Quý Mão, khu vực bờ Hồ được trang trí với hoa, cây cảnh, các biểu tượng chào năm mới. Bức tượng linh vật Xuân Quý Mão cũng thu hút nam thanh nữ tú chụp hình. Trong những ngày đầu năm mới, khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng là điểm hẹn cho nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách.

Nhiều điểm chơi Tết ở Thủ đô ảnh 1
Nhiều điểm chơi Tết ở Thủ đô ảnh 2

Người dân và người nước ngoài chụp ảnh với linh vật Mèo trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội Ảnh: Như Ý

Đây cũng là điểm xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa truyền thống ở Hà Nội. Sau ba năm tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã để chào đón năm mới.

Phố sách Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức từ 16-29/1 (từ 25 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng). Với chủ đề Ươm mầm tri thức - Nảy lộc sắc xuân, Ban tổ chức trang trí phố sách Hà Nội với các cổng chào, sân khấu, cây xanh, gian hàng cổ, gian hàng ông đồ... đậm chất xuân. Ban Tổ chức bổ sung thêm nhiều gian hàng sách và khu vui chơi với các hoạt động giải trí bổ ích, thú vị nhằm khuyến khích khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển tinh thần tập thể đối với trẻ em. Ngoài ra, các khu vực đọc sách, chụp hình, giải trí... dành cho độc giả, du khách tham quan.

Các ấn phẩm sách, báo và các sản phẩm văn hóa truyền thống được bày và giới thiệu như: sách thiếu nhi, sách văn học, sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, sách ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số... Đây cũng là điểm hẹn giới thiệu, ký tặng sách, giao lưu, tọa đàm với các nhà văn, tác giả, giới thiệu nghệ thuật thư pháp, câu đối Tết, tô màu tranh thiếu nhi, tổ chức cuộc thi vẽ Xuân muôn sắc, sách muôn màu, trưng bày tranh dân gian Hàng Trống, viết thư pháp, thi đấu cờ Việt, giới thiệu tủ sách nuôi dạy trẻ tự kỷ...

Hội chợ và đường hoa Xuân là nét đặc trưng của Hà Nội. Các hội chợ, đường hoa, chợ Tết được tổ chức trở lại sau thời gian dài phòng, chống dịch COVID-19. Đường hoa 2023 được tổ chức từ ngày 13 đến 25/01 (ngày 22 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng) tại Bắc An Khánh (đại lộ Thăng Long, Hoài Đức, Hà Nội).

Với chủ đề Vũ trụ Tết diệu kỳ, đường hoa xuân mang đến không gian Tết ấn tượng với 6 phân khu: Cung đường ngàn mây, Hành tinh vàng son, Hành tinh tài lộc, Ngân hà kỳ hoa, Ngân hà sung túc và Ký ức diệu kỳ. Mỗi phân khu trưng bày theo các chủ đề, biểu tượng Tết truyền thống, hiện đại tương lai. Khách tham quan được trải nghiệm các hoạt động mua sắm, ẩm thực, giải trí, làng nghề như: xin chữ, ghi điều ước và ném lên cây tài lộc để cầu bình an, gói bánh chưng, làm gốm, làm hương…

Các chợ hoa truyền thống tại khu vực phố cổ, hồ Thiền Quang... vừa tô điểm phố phường, vừa tạo ra các điểm chơi Tết thú vị.

Công viên Thiên đường Bảo Sơn là địa điểm hút khách đầu năm mới. Lễ hội Hoa anh đào (Sakura Festival) diễn ra tại đây từ 24-26/1 (mùng 3-5 tháng Giêng) mở ra không gian văn hóa, lễ hội của Nhật Bản. Không khí lễ hội thêm phần nô nức, rộn ràng với những tiết mục nghệ thuật mãn nhãn trong vũ hội Hanami như điệu nhảy Yosakoi, giấc mơ Geisha... Hội chợ Yatai được tổ chức trong những ngày diễn ra lễ hội. Tại đây du khách thưởng thức những món ăn đặc trưng của Nhật Bản như bánh bạch tuộc takoyaki, bánh rán nhân đậu đỏ, bánh mochi...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.