Nhiều Đại biểu Quốc hội còn ngại tiếp xúc với báo chí

Nhiều Đại biểu Quốc hội còn ngại tiếp xúc với báo chí
TP - Ngày 13-3, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Văn phòng Nghị viện Đan Mạch tổ chức hội thảo “Quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội”.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của báo chí đối với các hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sĩ Dũng thừa nhận một thực tế là nhiều đại biểu Quốc hội hiện nay rất ngại tiếp xúc với báo chí. Trong những lý do dẫn đến thực trạng này, theo ông, có một nguyên nhân quan trọng là vì các đại biểu chưa có nhiều kỹ năng trong tiếp cận và làm việc với báo chí.

Cùng tham gia ý kiến, cựu Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ kinh nghiệm để có thể làm việc tốt với báo chí qua đó tạo cho mình được một hình ảnh tích cực trước đông đảo cử tri thì đại biểu cần có 8 chữ T đó là: “Thân thiện, Thẳng thắn, Tỉnh táo và Tự tin”.

Theo ông, báo chí cũng là một kênh để đại biểu “báo cáo” với cử tri để qua đó cử tri theo dõi và biết được người đại diện cho mình đang làm gì, và đó cũng là cách để cử tri giám sát lại các đại biểu Quốc hội.

Ông Thuyết cũng nhấn mạnh để làm việc được tốt với báo chí thì bản thân các đại biểu cũng phải thường xuyên đọc báo và phải đọc nhiều báo khác nhau.

Từ kinh nghiệm hoạt động của mình tại Quốc hội trong khóa vừa qua, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên cũng cho biết dù bận thế nào, ông cũng cố gắng thu xếp để trả lời và hợp tác bởi vì theo ông: “Đừng bao giờ nói không với báo chí, bởi lẽ nhà báo cần mình có nghĩa là công chúng đang cần mình, dư luận xã hội đang cần mình”.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh: Tuy hoạt động báo chí ở mỗi quốc gia có những đặc thù khác nhau nhưng nhà báo nói riêng và báo chí nói chung trên toàn cầu đều có sứ mạng chung là phản ánh và thúc đẩy xã hội, vì vậy, tạo môi trường cho báo chí phát triển và hội nhập là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.