Nhiều công trình trọng điểm ở TPHCM nằm chờ mặt bằng

Cầu Nam Lý (quận 9) “đắp chiếu” hơn 2 năm qua do chưa giải phóng được mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công
Cầu Nam Lý (quận 9) “đắp chiếu” hơn 2 năm qua do chưa giải phóng được mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công
TP - Năm 2020, TPHCM triển khai nhiều giải pháp điều hành, kiểm soát linh hoạt nhằm từng bước khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại hàng loạt công trình, dự án hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều công trình “đắp chiếu” chờ mặt bằng.

Trong danh sách các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM chậm triển khai vì vướng mặt bằng, 2 cây cầu Nam Lý và Tăng Long (cùng thuộc quận 9) nổi lên là những dự án đình trệ tiến độ hàng đầu.

Đến giữa tháng 5, ở công trường thi công cầu Nam Lý vẫn không bóng dáng công nhân, máy móc hoạt động. Bên trong hàng rào công trường cỏ dại mọc đầy. Con đường Đỗ Xuân Hợp chật hẹp bị rào chắn một phần cho công trình đang “đắp chiếu”, trở thành nút thắt cổ chai khiến việc lưu thông qua lại của dân gặp nhiều khó khăn.

Công trình cầu Nam Lý có tổng vốn đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công vào năm 2017, nhằm thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc đã xuống cấp, không còn đáp ứng nhu cầu đi lại. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, cây cầu này đã được đưa vào khai thác, góp phần giảm kẹt xe vào giờ cao điểm và khơi thông luồng giao thông thủy cho tàu thuyền dễ dàng qua lại trên Rạch Chiếc. Theo hợp đồng đã ký, công trình phải hoàn thành cuối tháng 4/2018, nhưng đến nay dự án mới chỉ đạt khoảng 40% khối lượng. Các nhà thầu đã triển khai thi công trên phần mặt bằng được bàn giao và từ tháng 3/2019 đến nay bị tạm ngưng thi công. Một số nhà thầu đã chuyển máy móc đến công trình khác và chờ bàn giao mặt bằng mới …trở lại làm tiếp.

Tháng 12/2017, cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai (quận 9) bắc qua rạch Trau Trảu có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng được khởi công với quy mô 2 nhánh cầu rộng 2 làn xe. Cũng như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng cả nhu cầu giao thông đường bộ và đường thủy. Theo kế hoạch công trình phải hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị thi công mới làm phần tường chắn nhánh cầu trái, phía đầu tuyến và hoàn thành đúc một nhánh cầu.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư cầu Nam Lý và cầu Tăng Long), công trình cầu Nam Lý đã ngừng thi công hơn 2 năm do thiếu mặt bằng. Dù UBND quận 9 đã thực hiện kiểm kê song hiện nay mới duyệt đơn giá. Vướng mắc lớn là các hợp đồng mua bán đất trong khu vực dự án có giá thấp, số lượng giao dịch ít, nên khó xây dựng đơn giá bồi thường đất. Nếu có mặt bằng, việc thi công cầu Nam Lý chỉ mất khoảng 12 tháng. Còn dự án Cầu Tăng Long, đến nay nhà thầu thi công mới thực hiện được 30% khối lượng. Công trình đang tạm dừng thi công hơn 1 năm, do hết mặt bằng. Khi được giao mặt bằng, đơn vị thi công sẽ mất khoảng 6 tháng hoàn thành nhánh cầu trái và cần khoảng 9 tháng tiếp theo để hoàn thành nhánh cầu phải.

Thi công trong bối cảnh chờ bàn giao mặt bằng, các dự án khó hẹn ngày về đích. Ngoài cầu Nam Lý và cầu Tăng Long, TPHCM còn hàng loạt cây cầu khác chung số phận như cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè) sau hơn 7 năm khởi công vẫn chưa thể hoàn thành.

Chấn chỉnh sai sót, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Chỉ tính riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông, TPHCM có khoảng 60 dự án chậm tiến độ do vướng bồi thường giải tỏa, trong đó có không ít dự án vốn đầu tư hàng tỷ USD chậm tiến độ và “đội vốn”. Đơn cử như dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt từ năm 2010. Sau 10 năm triển khai, đến nay chỉ có 1/8 gói thầu hoàn thành (gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương). Dù đã quá chậm nhưng hiện tại, tuyến metro số 2 vẫn đang vướng bồi thường GPMB. Chậm GPMB đã làm tổng mức đầu tư của dự án từ hơn 26.000 tỷ đồng “đội” lên hơn 47.890 tỷ đồng

Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, GPMB chậm không phải do các địa phương thiếu trách nhiệm mà do cơ chế chính sách hiện nay phải qua từng bước vận động, trình giá đền bù...

Theo đề xuất của UBND TPHCM, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Đây là cơ sở để đẩy nhanh GPMB, thực hiện các dự án đang quá chậm trễ, nguy cơ gây lãng phí.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tính đến hết ngày 31/3, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TPHCM là 3.483 tỷ đồng, đạt 10,3% tổng kế hoạch vốn do UBND TPHCM giao, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trong năm 2020, UBND TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố là gần 34 nghìn tỷ đồng. Để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, Thành phố tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát, đánh giá về công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% vào thời điểm trước ngày 15/10. UBND TPHCM sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình giải ngân, quyết toán dự án, kịp thời chấn chỉnh sai sót.    

MỚI - NÓNG