Ngày 3/6, UBND quận Hoàn Kiếm, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Lễ Phát động Cuộc thi Thiết kế Công trình Cột mốc Km 0 (Thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm).
Về vị trí, sau nhiều lần thống nhất, cột mốc Km 0 được dự kiến đặt ở 3 vị trí: Vị trí đầu tiên là khu vực đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay; Vị trí thứ 2 là đối diện tượng đài vua Lý Thái Tổ (phía bên hồ Gươm); Vị trí thứ 3 là trước tượng đài Lý Thái Tổ.
Tuy nhiên, việc này đã gặp nhiều ý kiến phản biện của các KTS trong lễ phát động.
KTS Cao Xuân Hưởng - người chủ trì đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu vực Hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt năm 1996 cho biết, việc bổ sung thêm Km số 0 là đi ngược với quy hoạch này. Thực tế, từ năm 1996 đã có cuộc thi về Km số 0. Thời điểm đó, Trường Đại học Kiến trúc được giải thưởng nhưng không được xây dựng. Cột mốc đó nằm ở nhà khách Chính phủ. Theo KTS Hưởng, nhiều người dân Hà Nội coi Bưu điện bờ hồ chính là Km số 0. Do đó không nên bó buộc vị trí đặt cột mốc số 0 tại 3 vị trí trên.
Đặc biệt, dọc trục tượng đài Lý Thái Tổ cũng đã có quá nhiều công trình đặt vào đó, nếu thêm vào rất rối mắt.
Phía vườn hoa nơi đang đặt Đồng hồ Thụy Sĩ, đang thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng, nên bỏ đi chứ không nên thêm vào.
KTS Nguyễn Thúc Hoàng đồng tình: “Không nên gói gọn các vị trí vào 3 điểm trên”. Ông Hoàng lấy ví dụ ở Mỹ, Đại lộ danh vọng không cầu kỳ, chỉ là những ngôi sao khắc tên trên đá lát vỉa hè nhưng cũng rất thu hút du khách. “Do đó, không cần phải công trình điêu khắc gì to tát, có khi chỉ cần viên gạch lát cũng đủ gây ấn tượng”, KTS Hoàng nói.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội) cho biết thêm, Hồ Gươm là khu vực linh thiêng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều dự án phải báo cáo lên Bộ Chính trị. “Tôi đã xem lại từ bản đồ 1831, nhưng chưa có ghi chữ nào về cột mốc số 0. Nên việc xác định 3 điểm này khiến tôi ngỡ ngàng”, KTS Nghiêm nói.
Theo KTS Nghiêm, cuộc thi nên mở rộng các địa điểm để phát huy tính sáng tạo. Đặc biệt, sau khi thi phải tổ chức lấy ý kiến của người dân. Bởi kinh nghiệm cho thấy, không công trình nào có thể xây dựng được ở Hồ Gươm mà không có ý kiến của người dân.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hội đồng giám khảo cuộc thi) cho biết, về vị trí đặt cột mốc tạm thời sẽ giữ nguyên để tổ chức cuộc thi. Các ý kiến về vị trí khác sẽ được Hội đồng tiếp thu, kiến nghị lên UBND quận Hoàn Kiếm, UBND thành phố Hà Nội.
“Chắc chắn sau khi có những ý tưởng tốt từ cuộc thi, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm, lấy ý kiến nhân dân về các biểu tượng”, KTS Thông khẳng định.