Nhiều cán bộ nhận tiền, quà thành thói quen

TP - Khi được hỏi về nguyên nhân gây ra tham nhũng, có 57% cán bộ công chức tham gia trả lời khảo sát đồng ý cho rằng “cán bộ nhận tiền, quà biếu liên quan đến công vụ đã trở thành thói quen”…

Ngày 20-11, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới tổ chức công bố kết quả khảo sát xã hội học mang chủ đề: “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.

Cuộc khảo sát được thực hiện tại 10 địa phương, 5 bộ, ngành với tổng số ý kiến của 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp và 1.081 cán bộ công chức (CBCC).

Theo kết quả khảo sát, 4 ngành, lĩnh vực có mức độ tham nhũng phổ biến nhất được “điểm danh” gồm: cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng; nhóm lĩnh vực ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc, cảnh sát khu vực.

Kết quả khảo sát cho thấy, khi sử dụng dịch vụ công, người dân phải trả chi phí ngoài quy định trong các lĩnh vực như: khi xin học cho con cái, xin việc, xin giấy phép xây dựng.

Một số người còn nói, họ phải chi phí ngoài quy định ngay cả với loại dịch vụ mà thông thường chúng ta không nghĩ điều này có thể xảy ra, chẳng hạn như khi người nghèo sử dụng bảo hiểm hay phúc lợi xã hội và đăng ký khai sinh cho trẻ.

Khi được hỏi có trả tiền ngoài quy định cho các cơ quan quản lý nhà nước hay không, nếu có thì vì sao? Khoảng 32% doanh nghiệp có trả chi phí ngoài quy định cho rằng, đó là cách nhanh nhất và dễ thực hiện nhất để được việc; 18% nói không chi phí thì không giải quyết được công việc.

Trong khi đó, có 41% người dân tự nguyện trả tiền ngoài quy định cho rằng vì “người khác cũng làm thế”, 32% người “thà mất tiền còn hơn để đương đầu với thủ tục rắc rối”…

Cũng theo báo cáo khảo sát, trong số 16 nguyên nhân gây ra tham nhũng được đưa ra để lấy ý kiến thì hầu hết những người được hỏi đều nhất trí với nguyên nhân “chưa xử lý nghiêm người tham nhũng”; có 57% CBCC đồng ý với nhận định “cán bộ nhận tiền, quà biếu liên quan đến công vụ đã trở thành thói quen”.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng qua khảo sát có thể thấy, tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cung và cầu, trong một vòng tròn luẩn quẩn của vấn đề quan liêu và các khoản chi trả không chính thức.

“Thông điệp chính của báo cáo này là tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải là không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo”- bà Kwakwa phát biểu.

Khẳng định kết quả khảo sát trên không đại diện cho ý kiến của tổng thể nhân dân, doanh nghiệp, đội ngũ CBCC Việt Nam và không phải là ý kiến đánh giá của các cơ quan Nhà nước, song Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cũng nhìn nhận: “Kết quả khảo sát rất có ý nghĩa để tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam”.

Theo Báo giấy