Tiêu số tiền cao nhất nước
Tới hết tháng 9/2022, Bộ GTVT giải ngân trên 27 nghìn tỷ đồng, đạt gần 54% kế hoạch được giao, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước chỉ 47%), dẫn đầu về số tiền tuyệt đối giải ngân được tới nay. Với tổng vốn được giao cả năm nay hơn 50,3 nghìn tỷ đồng, Bộ GTVT đứng thứ 3 cả nước về số vốn được phân bổ (sau TPHCM và Hà Nội), nhưng cao nhất trong nhóm các bộ ngành trung ương. Với kết quả giải ngân đầu tư công thuộc nhóm dẫn đầu, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương Bộ GTVT là điểm sáng về giải ngân đầu tư công, khi có số vốn đầu tư công được bố trí lớn nhất trong các bộ (chiếm gần 50% tổng vốn giao các bộ ngành).
Nhiều dự án giao thông thuộc diện trọng điểm quốc gia, nên Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo. Hàng tháng, Thủ tướng trực tiếp họp chỉ đạo, còn hàng tuần hoặc 10 ngày Phó Thủ tướng họp chỉ đạo, gỡ vướng mắc, đôn đốc tiến độ. Với lãnh đạo Bộ GTVT, các thứ trưởng được giao phụ trách từng dự án, hầu như hàng tuần đều đi kiểm tra trực tiếp tại công trường, vừa nắm thực tế, biết vướng mắc, vừa làm việc với địa phương để giải quyết, thay vì chỉ chờ báo cáo và giải quyết bằng văn bản.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19. Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông cùng sớm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội. Với nhận thức xuyên suốt đó, những năm gần đây và 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT luôn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước, dù số vốn bộ được giao rất lớn. Năm 2021, bộ giải ngân trên 90% số vốn được giao, 9 tháng đầu năm nay giải ngân đã đạt gần 54% số vốn.
Đổi mới cách làm
Với các dự án giao thông trọng điểm lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, xây dựng sân bay Long Thành, được Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng một số cơ chế đặc thù. Bộ GTVT cũng triệt để áp dụng hình thức cắt hợp đồng, điều chuyển khối lượng thi công từ nhà thầu yếu kém sang nhà thầu thực hiện tốt hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, bộ đã đầu tư phần mềm thông tin giải ngân các dự án đầu tư công. Tất cả các dự án, gói thầu khi tạm ứng, rút vốn, chuyển vốn, vốn còn lại đều được cập nhật liên tục, lãnh đạo bộ theo dõi số liệu theo thời gian thực để chỉ đạo điều hành, thay vì chờ báo cáo như trước đây. Bộ GTVT cũng cá nhân hóa trách nhiệm, từng khâu được giao rõ cho từng người, từ người phụ trách chung dự án, tới chỉ huy công trường, gói thầu… Bộ GTVT cũng chủ động phối hợp với công an, kiểm toán, thanh tra tăng giám sát, thanh kiểm tra. Hoạt động này không chỉ nhằm phát hiện sai phạm để xử lý sớm, còn xác định vướng mắc để xử lý (hoặc kiến nghị xử lý). Tránh các cá nhân, tổ chức trực tiếp triển khai dự án vì chạy theo tiến độ dẫn tới công trình không đảm bảo chất lượng, môi trường, mất an toàn lao động...
Với các nhà thầu thi công không đáp ứng chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT sẽ cắt chuyển khối lượng, thay thế, bổ sung nhà thầu khác, chấm dứt hợp đồng và gửi hồ sơ sang Bộ KH&ĐT xem xét để đăng công khai thông tin nhà thầu vi phạm lên hệ thống mạng đấu thầu; đánh giá, không chọn tham gia các gói thầu khác thuộc dự án khác do Bộ GTVT quản lý từ 3-5 năm.
Bộ GTVT cũng áp dụng nhiều giải pháp rút ngắn thời gian triển khai với các dự án trong giai đoạn chuẩn bị về thủ tục. Điển hình như phê duyệt báo cáo khả thi 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2022-2025, chỉ trong 7 tháng đã hoàn thành, trong khi các dự án tương tự trước đó cần thời gian khoảng 2 năm. Ngoài nhân sự thẩm định hồ sơ của bộ phải làm ngày làm đêm cho kịp tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn lập báo cáo phải cử người có thẩm quyền ngồi cùng cán bộ thẩm định. Khi có phát sinh, điều chỉnh sẽ thực hiện ngay tại chỗ, không mất thời gian văn bản quay lại, tránh phải trả hồ sơ bổ sung.
Bộ GTVT và các nhà thầu cũng gặp khó trong cơ chế điều chỉnh giá hợp đồng. Vừa qua, có không ít nhà thầu xây dựng thấy giá vật liệu tăng cao nên không muốn làm, hoặc chậm triển khai chờ điều chỉnh giá. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khó điều chỉnh giá cho các nhà thầu do phải chờ địa phương công bố giá vật liệu trên địa bàn để làm căn cứ, nhưng địa phương lại chậm công bố, hoặc công bố giá không sát thị trường...
Hay với dự án xây dựng sân bay Long Thành, Bộ GTVT cũng lần đầu tiên thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật theo hình thức “cuốn chiếu”, thiết kế và thẩm định song song thực hiện. Với cách làm trước đây, khi hồ sơ thiết kế xong tất cả hạng mục, chủ đầu tư mới trình Bộ GTVT thẩm định, bổ sung (nếu có), sau đó mới phê duyệt. Bằng cách làm mới, bộ này cho phép chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ thiết kế từng phần, từng hạng mục, từng công trình tới đâu sẽ trình Bộ GTVT thẩm định trước. Khi hồ sơ thiết kế hoàn tất cũng xong quá trình thẩm định, đủ điều kiện trình lãnh đạo Bộ GTVT phê duyệt ngay, qua đó rút ngắn nhiều thời gian giấy tờ.
Còn nhiều vướng mắc biết rồi... nói mãi
Dù giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt cao hơn bình quân chung cả nước, bộ có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công, làm chậm giải ngân vốn, những khó khăn, vướng mắc này đã nói nhiều, tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Điển hình nhất là giải phóng mặt bằng, hầu như dự án nào cũng vướng, chậm tiến độ chủ đầu tư chịu trách nhiệm, nhưng giải phóng mặt bằng lại do địa phương triển khai. Ông Huy dẫn chứng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sau 20 tháng triển khai vẫn vướng cột điện 500Kv nằm giữa tuyến, tới nay vẫn chưa chuyển được, dù dự án chỉ còn hơn 3 tháng nữa phải đưa vào sử dụng. Hay dự án mở rộng Quốc lộ 40B đoạn đi qua Quảng Nam, đã 2 năm chưa giải phóng được mặt bằng. Nhà thầu không có mặt bằng thi công dẫn tới chậm tiến độ, thêm chi phí, trách nhiệm lại thuộc chủ đầu tư dù không phải phần việc của mình, thậm chí kiện chủ đầu tư ra tòa, thời gian qua Bộ GTVT đã bị một số nhà thầu kiện liên quan tới vấn đề này khi thực hiện dự án cầu Nhật Tân, đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Khó tiếp theo, theo lãnh đạo Bộ GTVT, nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông đều thiếu, dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vẫn chờ đợi địa phương cấp phép.