Diễn đàn: “Sách giáo khoa nên một hay nhiều bộ?”:

Nhiều bộ SGK, càng sớm càng tốt

Nhiều bộ SGK, càng sớm càng tốt
TP- Xóa độc quyền SGK không chỉ đơn giản là xóa độc quyền xuất bản, mà là xóa độc quyền cách tổ chức kiến thức sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục, vừa giúp giáo viên và học sinh chủ động lựa chọn tài liệu giảng dạy và học tập để giúp học sinh phát huy kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và khả năng học tập suốt đời.

Một nước thống nhất nhưng có nhiều bộ SGK, có tốt không? Rất tốt, vì điều này cũng giống như người của một nước không nhất thiết, và không nên, chỉ ăn một loại thức ăn hoặc nghe một loại nhạc. Những đặc trưng vùng miền cần được tôn trọng và khuyến khích. Các nước như Anh, Mĩ không chỉ có nhiều bộ SGK khác nhau mà thậm chí còn có nhiều chương trình cho các bang hoặc vùng miền khác nhau. Nhưng nền giáo dục của họ vẫn phát triển tốt hơn chúng ta rất nhiều, và học sinh của các nước khác vẫn đổ xô đến để học.

Nếu có nhiều bộ SGK thì nhà xuất bản nào sẽ được tham gia làm xuất bản? Nhà xuất bản không làm SGK mà chỉ xuất bản sách. Bất cứ nhà xuất bản nào đáp ứng được các yêu cầu của Luật Xuất bản cũng đều có thể tham gia xuất bản, phát hành sách. Còn việc các nhà xuất bản này có cạnh tranh được với NXB Giáo dục – đơn vị có thâm niên làm SGK hơn 50 năm nay – hay không là chuyện riêng của các nhà xuất bản.

Ai là người có quyền chọn SGK? Giáo viên chuyên môn, hoặc tổ bộ môn của từng trường, nên là người lựa chọn SGK. Vì học sinh thì chưa đủ kiến thức để tự lựa chọn. Còn hiệu trưởng, hoặc trưởng phòng giáo dục, giám đốc sở hay bất cứ người quản lý nào khác thì không nên quyết định việc lựa chọn SGK vì họ không phải là người trực tiếp giảng dạy, mà chuyên môn cũng chỉ là một hai môn cụ thể, nên không thể quyết định việc chọn sách cho cả một trường, huyện, tỉnh được.

Kinh phí biên soạn sách lấy từ nguồn nào? Các tác giả sẽ tự lo kinh phí biên soạn vì sau khi xuất bản, họ được hưởng nhuận bút. Các nhà xuất bản cũng có thể tài trợ cho các cá nhân, nhóm biên soạn như một sự đầu tư trước. Nhà nước chỉ lo kinh phí biên soạn chương trình chuẩn và duyệt các bản thảo SGK xem có đáp ứng được yêu cầu của chương trình chuẩn hay không.

Tập huấn giáo viên thế nào? Việc tập huấn giáo viên sẽ không phức tạp hơn mức hiện thời, nếu không muốn nói là đơn giản hơn, vì chỉ cần tập huấn chương trình chuẩn. Khi nào chương trình chuẩn thay đổi mới cần tập huấn lại. Còn mỗi khi có một bộ sách mới ra đời, không cần thiết phải tập huấn vì bộ sách đó vẫn nằm trong sự chi phối của chương trình chuẩn.

Các bộ SGK có sai sót, sửa thế nào? Việc lo ngại phải sửa một lúc ba bốn bộ là hoàn toàn không có cơ sở, vì các bộ sách này đã được hội đồng khoa học duyệt trước khi xuất bản. Việc sửa một bộ hay cùng lúc ba bốn bộ cũng không khác nhau bao nhiêu, vì đều do nhóm tác giả của bộ sách cụ thể đó thực hiện. Sau một thời gian, các bộ sách tốt sẽ tồn tại. Còn các bộ sách dở, kém hấp dẫn sẽ bị đào thải. Các bộ sách mới hơn, phù hợp hơn sẽ có cơ hội ra đời.

Thi cử và đánh giá thế nào? Thi theo nội dung qui định của chương trình chuẩn. Tùy tính chất của kì thi mà đề thi được ra bởi giáo viên, trường, phòng, sở hoặc bộ giáo dục. Nhưng nội dung đề thi vẫn đảm bảo nằm trong qui định của chương trình. Các đánh giá khác, như đánh giá về sự phát triển thể chất, tính cách, xã hội cũng cần được tiến hành theo qui định và đòi hỏi của chương trình chuẩn quốc gia.

Giáo viên có thể tự biên soạn bài giảng

Chương trình giáo dục cần ổn định tương đối. Sau một khoảng thời gian nhất định (phụ thuộc vào chương trình của từng môn cụ thể) cần xem xét lại và điều chỉnh cần thiết. Còn SGK thì không cần. Có thể dùng một bộ, nhiều bộ cũ mới, hoặc từ nhiều nhóm tác giả bổ sung nhau.

Với những trường ở thành phố, nơi nguồn tài liệu phong phú và điều kiện kinh tế cao hơn, giáo viên có thể tự biên soạn bài giảng dựa trên chương trình chuẩn và tài liệu tham khảo để cung cấp cho học sinh mà không cần dùng đến SGK. Bài giảng này có thể thay đổi hàng năm sao cho phong phú hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng được nhu cầu truyền tải kiến thức tốt hơn mà không phụ thuộc vào sự tồn tại của một hay nhiều bộ SGK cụ thể nào đó.

Xóa độc quyền SGK không phải chỉ đơn giản là xóa độc quyền xuất bản, mà là xóa độc quyền cách tổ chức kiến thức và, một phần nào đó, là các quan điểm khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể.

(ĐH Liverpool, Anh quốc)

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.